Giảm thiểu sự cố y khoa
01/03/2018 10:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đối với ngành y, an toàn của người bệnh được coi là điều “cốt tử” bởi bệnh viện là môi trường có nguy cơ cao, nơi các sai sót có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ khâu chẩn đoán cho đến điều trị. Song, theo Bộ Y tế, hiện vẫn chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc cũng như không nhiều bệnh viện chú trọng mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các y, bác sĩ.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới sự cố
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng khẳng định, y học mang tính xác suất và bất định cao, người bệnh trong các cơ sở y tế phải trải qua nhiều thủ thuật, phẫu thuật mà không thể làm lại, sử dụng các thiết bị nguy hiểm, thiết bị xâm lấn, các hóa chất độc cũng làm tăng nguy cơ sai sót trong y tế. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng hoặc quá nhiều y lệnh do thói quen công việc một người pha thuốc, một người tiêm, sao y đơn thuốc. Tại một số bệnh viện, hiện tượng quá tải bệnh nhân cũng dẫn đến việc cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn.
Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn về bảo đảm an toàn người bệnh.
Nhiều chuyên gia thừa nhận, quá tải bệnh viện cũng khiến người bệnh thiếu kiên nhẫn, thiếu hợp tác với nhân viên y tế, trong khi nhân viên y tế phải chịu nhiều áp lực, luôn làm việc với cường độ cao, cộng với thuốc, hóa chất dung dịch nghe giống, nhìn giống, rất dễ dẫn tới sự cố y khoa.
Song, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến y khoa. Đặc biệt, có thể xảy ra trường hợp nhân viên y tế quên không lấy bệnh phẩm xét nghiệm, quên không bàn giao cho ca trực sau, quên không điền thông tin vào bệnh án, dẫn đến việc nhầm người bệnh, tài liệu người bệnh không hoàn chỉnh, sai lỗi.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan như người bệnh đông, quá tải, phương tiện thiếu, làm thêm giờ nhiều, bàn giao không rõ ràng thì còn có nguyên nhân mang tính hệ thống. Đó là việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu chương trình hành động cụ thể, thiếu phân bổ nguồn lực thích hợp cho hoạt động an toàn đối với người bệnh.
Đáng nói là khi có sự cố xảy ra thì việc đền bù như thế nào, kinh phí lấy từ đâu cũng là băn khoăn của không ít người. Bởi, vẫn thiếu quy định về đền bù cho các ca tai biến y khoa và việc hỗ trợ hiện nay tùy vào mức độ, thỏa thuận giữa bệnh viện và gia đình bệnh nhân.
Chú trọng bảo hiểm trách nhiệm
Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2011/NĐ - CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh, trong đó quy định tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức bệnh viện đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức khác thì lộ trình hết năm 2017 phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn. Nếu không may xảy ra tai biến hay sai sót về chuyên môn kỹ thuật của y bác sĩ gây ra cho người bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường khi có khiếu nại.
Thế nhưng, theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến thời điểm này, số bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vẫn còn rất ít. Theo các báo cáo tính đến thời điểm cuối năm 2015, số lượng bệnh viện đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm mới đạt khoảng gần 10%, gia hạn hợp đồng năm 2015 giảm so với năm 2014. Tính đến tháng 11.2017, khảo sát tại 60 bệnh viện lớn trong cả nước cho thấy, mới có khoảng 20% bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng bệnh viện tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp còn khiêm tốn là bởi những vướng mắc về thủ tục yêu cầu giải quyết rủi ro, khó khăn trong bồi thường. Mặt khác, bảo hiểm trách nhiệm là loại hình mới, lại mang tính đặc thù chuyên môn cao nên số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm còn ít. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về thỏa thuận, ký kết hợp đồng cũng dẫn tới lúng túng nhất định khi thực hiện.
Trước thực tế đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm bảo hiểm theo vụ việc cũng như hạng bệnh viện. Đồng thời, sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này đối với các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề.
Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về bảo đảm an toàn người bệnh, trong đó có dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý xử lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bảo đảm an toàn phẫu thuật; dự thảo bổ sung, sửa đổi một số quy chế chuyên môn trong quy chế bệnh viện.
Theo Báo ĐBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?