Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII: Phát triển kinh tế tư nhân mạnh về lượng và chất
27/02/2018 02:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những chuyển biến và kết quả tích cực của nền kinh tế nói riêng và đất nước nói chung trong năm 2017 đã giúp cộng đồng doanh nghiệp phấn chấn, tin tưởng vào cơ hội mới trong năm 2018. Ghi nhận thành tựu đã đạt được, nhưng có lẽ cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó hoạch định và đề ra các giải pháp hiệu quả hơn để tập trung khắc phục.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Nhiều hành động cụ thể
Sự phấn chấn, tin tưởng vào tương lai phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân có lẽ không hoàn toàn là cảm xúc thường thấy mỗi khi bước sang năm mới. Vì rằng, Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII lần này là minh chứng cụ thể cho sự thay đổi mạnh tư duy về khu vực kinh tế tư nhân, cũng như cách thức hỗ trợ đối với khu vực này. Tư duy đổi mới thực sự đã thổi niềm hy vọng lớn về sự thay đổi căn bản, lâu dài trong chính sách, pháp luật, thể chế cũng như cách hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước vì sự phát triển hiệu quả của thành phần kinh tế tư nhân.
Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, theo chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp và pháp luật đã trao cho, Quốc hội, Chính phủ đã và đang có nhiều hành động thiết thực, bám sát và cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo, nội dung của Nghị quyết thành chính sách, pháp luật, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ngay Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 ban hành cuối năm 2017, QH đã đưa yêu cầu cụ thể về việc khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh. Trong đó, Nghị quyết của QH nhấn mạnh phải bảo đảm điều kiện kinh doanh bình đẳng, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Và yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng được đưa ra.
Ngay ngày đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01, để triển khai Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nghị quyết 01 đã tạo ấn tượng với cộng đồng doanh nghiệp từ khối lượng công việc lớn được giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương (242 nhiệm vụ cụ thể, 6 nhóm mục tiêu chủ yếu). Đặc biệt, Nghị quyết 01 đã xác định rõ, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch… Nghị quyết này cũng giao cụ thể cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công, mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện.
Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều tập trung đưa ra biện pháp để tháo gỡ những nút thắt hiện nay cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cộng với những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng trước một số bất cập xảy ra, đã củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Mục tiêu không dễ thực hiện
Những chuyển biến và kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta đạt được trong năm 2017 cũng như các hành động cụ thể của QH, Chính phủ thông qua việc ban hành các văn bản pháp lý đã tạo cơ sở, niềm tin vào khả năng hoàn thành các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII. Thực tế, với tốc độ phát triển kinh tế tư nhân bình quân 14 - 15% trong 10 năm qua, có lẽ mục tiêu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 55% vào GDP của cả nước không phải quá xa vời.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như ĐBQH lưu ý, khu vực kinh tế tư nhân không thể chỉ có sự phát triển về lượng, mà cần có sự phát triển cả về chất. Đương nhiên, yêu cầu này không dễ thực hiện, vì tiềm lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp tư nhân hiện còn yếu, vốn tự có thấp, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động. Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, do đặc điểm này nên chi phí tài chính của doanh nghiệp lớn, lợi nhuận đạt được không cao, hầu hết doanh nghiệp tư nhân trong nước đều thuộc chuỗi giá trị thấp nhất. Nền tảng tài chính yếu kém cũng khiến ít đơn vị có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hay các hoạt động phụ trợ cho sản xuất, kinh doanh.
So với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân còn bị thua thiệt bởi các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư, kể cả trong tiếp cận đất đai, cơ hội kinh doanh. Điều này khiến chi phí bằng tiền cũng như thời gian để thực hiện thủ tục hành chính, trách nhiệm pháp lý đều cao hơn so với doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tư nhân cũng chịu tác động lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu, và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng từ nước ngoài, thậm chí ngay trong nước. “Với thể trạng tài chính yếu kém, khả năng chống rủi ro thấp thì đây là thảm họa trực tiếp với doanh nghiệp”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Việc dồn chính sách cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân có lẽ không chỉ xuất phát từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân. Vì rằng, dù tăng trưởng GDP năm 2017 đạt thành tích ấn tượng, vượt qua chỉ tiêu QH giao (6,81%), song tổng mức đầu tư toàn xã hội cũng chỉ chiếm 33,3% GDP. Vốn đầu tư công hiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư toàn xã hội. Cho nên, ở một góc độ nào đó, thành tích tăng trưởng vượt trội trong năm qua chủ yếu do khu vực ngoài nhà nước tạo ra.
Thực tiễn đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta, do vậy, không có lý do gì để trì hoãn việc dồn chính sách cho khu vực này.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng phải tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh thật sự bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước. Trước những hạn chế đã được chỉ ra của các doanh nghiệp trong nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của năm 2018 và 2019 với Chính phủ là phải đưa hiệu quả, liên kết doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị sản xuất của ngành, của thế giới. Chính sách cho doanh nghiệp nếu đi theo hướng này, thì mục tiêu xây dựng lực lượng doanh nghiệp tư nhân mạnh về cả lượng và chất không còn là ngoài tầm tay.
Theo DBND
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?