Thứ bảy, ngày 18/01/2025

Trình Quốc hội xem xét 4 chuyên đề giám sát năm 2023

19/04/2022 03:24 PM


Sáng 19/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp, nguồn ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Đề xuất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát
Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 69/77 cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 để gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về cơ bản, các ý kiến nhất trí với dự kiến nội dung chương trình. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung, điều chỉnh thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung về: Tài chính, quyết toán ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực. Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát hai chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề được lựa chọn trong số 5 chuyên đề.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cụ thể, chuyên đề 1: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; chuyên đề 2: “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030)”. Chuyên đề 3: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuyên đề 4: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo”; chuyên đề 5: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020”.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề theo Phiếu xin ý kiến. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cần có đánh giá tổng thể về công tác giám sát

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về tổng thể, dự kiến chương trình giám sát năm 2023 như đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội là cơ bản phù hợp, bám sát các quy định, gắn với những vấn đề nổi lên được cử tri và nhân dân quan tâm.
Một số ý kiến đề nghị trong Báo cáo dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một báo cáo riêng về đánh giá kết quả giám sát năm trước và 6 tháng đầu năm nay để chỉ ra những mặt đạt được và hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra trong công tác giám sát, đồng thời đưa ra những dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới của năm sau để cung cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cái nhìn tổng thể, từ đó có quyết định lựa chọn chính xác chuyên đề giám sát.
Về chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo”, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi giám sát ra lĩnh vực năng lượng nói chung, trong đó giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đồng thời có nội dung giám sát sâu hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đối với chuyên đề giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030)”, một số ý kiến đề nghị việc giám sát không chỉ dừng ở cấp Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cần đưa vào nội dung giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách của các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở tổng hợp lấy phiếu xin ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát chuyên đề năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 trong 5 chuyên đề để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định gồm các chuyên đề 1, 2, 3 và 4. Trong đó, chuyên đề 4 mở rộng diện giám sát ra lĩnh vực năng lượng nói chung.
Thời gian còn lại của phiên họp sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; quyết định số lượng thành viên của Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

PV (Theo TTXVN)

EMC Đã kết nối EMC