Tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và tự cường, bảo vệ phúc lợi cho người dân

15/11/2024 08:25 AM


Ngày 14/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 161) giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ. Theo đó, ưu tiên lớn của ASEAN từ nay đến hết năm 2025 nhằm tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và tự cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực.

Đây là Hội nghị được tổ chức hàng năm nhằm cập nhật tình hình thực hiện Đề án 161 của các Bộ, ngành, địa phương; trao đổi và tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN; và chuẩn bị cho đánh giá việc hoàn thành Đề án. Hội nghị có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo và cán bộ đầu mối các Sở, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố; đại diện Lãnh đạo và giảng viên một số Trường Đại học; đại diện Ban Thư ký ASEAN; và đại diện các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh hoan nghênh sự nỗ lực và linh hoạt của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hầu hết các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 thông qua việc cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó nêu rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan (đối với các Bộ, ngành) và các Sở, ban, ngành, UBND các cấp quận, huyện (đối với các tỉnh, thành phố), thậm chí cả trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Không chỉ ban hành riêng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, địa phương còn chủ động lồng ghép các mục tiêu liên quan vào các kế hoạch công tác đối ngoại, tuyên truyền, các chương trình hành động cụ thể, từ đó thúc đẩy thực hiện 05 nội dung hoạt động của Đề án. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tuyên truyền, quảng bá ASEAN; Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án triển khai "Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”. Đây là các Chương trình, Đề án bổ trợ và đóng góp tích cực cho việc triển khai Đề án 161.

Nhấn mạnh chỉ còn hơn một năm nữa để hoàn thành Đề án 161, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy, vận động hơn nữa các nguồn lực khác nhau như nguồn xã hội hoá, nguồn tài trợ từ các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động của Đề án, nhất là các hoạt động hướng đến xây dựng cộng đồng hoà nhập, bền vững và tự lực tự cường.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Ban Thư ký ASEAN, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương chia sẻ cập nhật về tình hình hợp tác ASEAN trên cả 3 trụ cột, trong đó điểm nhấn của năm 2024 chính là việc khởi động đánh giá cuối kỳ các Kế hoạch Tổng thể và xây dựng các Kế hoạch Chiến lược của 3 Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội. Đây cũng là ưu tiên lớn của ASEAN từ nay đến hết năm 2025 nhằm tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và tự cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực.

Trên cơ sở báo cáo chung của Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành, địa phương đã lần lượt chia sẻ về tình hình thực hiện Đề án 161 và các chương trình, hoạt động ưu tiên trong năm 2024, đồng thời, trao đổi về một số khó khăn, thách thức. Bên cạnh khó khăn vì không có nguồn lực bố trí riêng, cơ chế phối hợp thực hiện cũng còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; các Bộ, ngành chưa phát huy được vai trò dẫn dắt và kết nối địa phương với các phong trào/giải thưởng/hội nghị, hội thảo chuyên đề của ASEAN và chưa có nhiều hoạt động ASEAN để các địa phương được tham gia trực tiếp.

Vì vậy, để chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ và xây dựng Đề án/Kế hoạch sau năm 2025, các đại biểu nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, thường xuyên trao đổi để kịp thời triển khai các sáng kiến, hoạt động chuyên ngành ở cấp khu vực mà Việt Nam có lợi ích; chú trọng việc hướng dẫn, khuyến khích các địa phương thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về hội nhập nói chung và ASEAN nói riêng. Hội nghị cũng ghi nhận, trong ASEAN hiện nay, song song với việc khởi động đánh giá cuối kỳ Kế hoạch tổng thể, các nước đang cùng nhau xây dựng một bản Kế hoạch Chiến lược của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN sau năm 2025. Do đó, ở cấp quốc gia, cần tính đến việc tiếp tục xây dựng Kế hoạch hoặc Đề án triển khai trên toàn quốc để tiếp nối Đề án 161 theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030.

Cuối cùng, Hội nghị đề xuất Cơ quan chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu về phương án bố trí nguồn lực, vật lực cho việc xây dựng cũng như triển khai các hoạt động của ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng trong thời gian tới.

Vũ Thu

EMC Đã kết nối EMC