• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bà Khổng Thị Phương - TP. Hải Phòng hỏi
Email:
Ngày gửi:
05/03/2018
Lĩnh vực:
Hưu trí, tử tuất
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 166 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 thì năm cuối cùng trước nghỉ hưu lao động nam 59 tuổi và lao động nữ 54 tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hoặc làm việc không trọn thời gian, không có quy định bắt buộc về thời gian rút ngắn và quy định bắt buộc người sử dụng lao động trả lương cho thời gian rút ngắn này. Nhưng tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì quy định rút ngắn 1 giờ cho người lao động cao tuổi và được trả lương cho thời gian rút ngắn này trong năm cuối trước khi nghỉ hưu. Vậy, năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu tại Khoản 3, Điều 166 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 và trong Khoản 10, Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP có gì khác nhau?

Trả lời bởi:
Đoàn Thị Nguyệt
Ngày trả lời:
05/03/2018
File đính kèm:
Câu trả lời:

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 3, Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời gian làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”, không quy định bắt buộc trả lương cho thời gian làm việc rút ngắn đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu đúng tuổi.

Tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ về thời gian làm việc có hưởng lương thì người sử dụng phải chi trả lương đối với thời gian làm việc được rút ngắn mỗi ngày (ít nhất 1 giờ) đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

Tại Khoản 1, Điều 4 Bộ luật Lao động năm 2012 khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật lao động.

Theo chinhphu.vn