• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bạn đọc
Ngày gửi:
25/10/2017
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi bị tai nạn giao thông (TNGT) trên đường đi làm về. Công ty đã làm thủ tục cho tôi hưởng chế độ TNLĐ. Công ty đã chuyển hồ sơ hưởng chế độ của tôi về cơ quan BHXH, nhưng cơ quan này yêu cầu phải có biên bản TNGT do công an giao thông cấp, hoặc sơ đồ hiện trường TNGT. Tôi không có vì tai nạn xảy ra cả hai bên cùng thống nhất tự giải quyết với nhau. Tôi phải làm thế nào để được giải quyết chế độ TNLĐ?

Trả lời bởi:
Đoàn Thị Nguyệt
Ngày trả lời:
25/10/2017
File đính kèm:
Câu trả lời:

BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Khoản 5, Điều 35 Luật An toàn - Vệ sinh lao động quy định về việc điều tra vụ TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng như sau: NSDLĐ và các cá nhân liên quan đến TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.

Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;

b) Biên bản điều tra TNGT;

c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân của NLĐ.

Do đó, nếu bạn không có biên bản điều tra TNGT do công an giao thông cấp, hoặc sơ đồ hiện trường TNGT, thì bạn cần xin văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn.

Theo Điều 57 Luật An toàn - Vệ sinh lao động năm 2015, hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ gồm:

1. Sổ BHXH.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ LĐTB&XH.

Bạn có thể căn cứ quy định trên để trình bày khi làm việc với cơ quan BHXH để yêu cầu giải quyết quyền lợi cho bạn đúng quy định của pháp luật.