• HỎI ĐÁP
Người gửi:
phạm xuân lê
Ngày gửi:
09/01/2021
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Người bị tai nạn giao thông trên tuyến đường hợp lý. Chị Lê Thị Vân tai nạn ngày 3/6/2020 => cty gửi hồ sơ tai nạn lao động lên cho cơ quan bhxh giải quyết chế độ cho NLD là 29/10, bị cơ quan BHXH trả hồ sơ về lại cho công ty ngày 12/11 với lý do công ty không đóng BHXH cho NLD bị tai nạn giao thông từ thời điểm tháng 06/2020 đến thời gian 09/2020. Nhưng từ trước thời điểm tháng 05/2020 trở về trước đó công ty đóng BHXH 3 năm rồi. (Vui lòng xem file đính kèm) hiện tại luật không có quy định về việc chi trả lương, nên công ty cũng không chi trả lương cho NLD(người lao động) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về (tuyến đường và thời gian hợp lý). NLD không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó (thời gian nghĩ chữa trị do tai nạn giao thông) 1. vậy thời gian này không được tính để hưởng BHXH theo khoản 4 điều 42 của quyết định 595/QĐ-BHXH là đúng không? 2. NLD không đóng BHXH trong thời gian nghĩ do TNGT có được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động từ cơ quan BHXH hay không? 3. Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty phải đóng BHXH cho NLD là căn cứ vào quy định khoản 3 điều 3 TT26/2017 vậy có chính xác hay không? 4. BHXH Tỉnh Đồng Nai từ chối giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ với lý do Công ty không đóng BHXH cho NLD vậy căn cứ quy định nào, và có đúng với quy định của luật hay không?

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
15/01/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị TNLĐ-BNN phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/9/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN bắt buộc, như sau: Người lao động bị TNLĐ-BNN trong thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động được người sử dụng lao động nơi người lao động bị TNLĐ-BNN trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và đóng đầy đủ BHXH vào các quỹ BHXH theo quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong thời gian người lao động nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị TNLĐ thì vẫn được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương và người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động.