• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bạn đọc
Ngày gửi:
09/04/2020
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Công ty tôi có người lao động đang làm việc theo tàu hỏa đường sắt phục vụ hành khách và làm vệ sinh, bán hàng ăn uống, chuẩn bị xuất ăn và phụ bếp. Tất cả các việc liên quan đến phục vụ về hành khách. 4 ngày đường từ Nam ra Bắc và trở về Nam là kết thúc 1 chuyến tàu về vào buổi Sáng. Và đến tối hôm ấy vừa về lại tiếp tục chuyến thứ 2. Cứ đi liên tiếp chuyến 1 tháng vì tăng cường tàu chạy tết. Trong chuyến tàu xuất phát từ Nam ra Bắc và đang trở vào lại, mới đến trạm dừng tại Nha Trang thì người lao động lăn ngã từ trên ghế ra sàn tàu đã bất động và được đồng nghiệp đưa đi cấp vào Bệnh viện ngay sau đó nhưng đã chết khi chưa vào đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa gần đó. Tôi muốn hỏi công ty cần nộp giấy tờ thủ tục gì để thân nhân nhận BHXH và có cần sự có mặt của thân nhân có người lao động chết đi cùng công ty đến cơ quan BHXH đối chiếu xác minh về sự cố xảy ra tử vong không? Và người lao động chết trong công việc như vậy có được tính là tai nạn lao động không? Người lao động có Vợ và con trai 11 tháng.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
13/04/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Theo thông tin Bạn cung cấp, người lao động của Công ty Bạn chết trong giờ làm việc nhưng không thuộc các nguyên nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động nên vẫn được xem xét hưởng chế độ BHTNLĐ theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đề nghị Bạn căn cứ theo các quy định của pháp luật để thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và thân nhân người lao động.

Thủ tục hồ sơ để hưởng chế độ tử tuất gồm có:

- Sổ BHXH.

- Bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09-HSB.

- Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK đối với thân nhân bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên (bản chính, trường hợp người lao động đã có biên bản GĐYK để hưởng các chính sách khác trước đó mà đủ điều kiện hưởng thì có thể thay bằng bản sao) hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp thân nhân là bố mẹ người lao động hoặc bố mẹ vợ/chồng trong độ tuổi lao động hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm KNLĐ.

- Trường hợp chết do TNLĐ thì có thêm biên bản điều tra TNLĐ.

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 112 Luật BHXH, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng BHXH bắt buộc bị chết thì thân nhân nộp hồ sơ nêu trên cho người sử dụng lao động. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH. Đối chiếu quy định trên, khi nộp hồ sơ hưởng chế độ tử tuất, không cần thân nhân người lao động đi cùng đến cơ quan BHXH. Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ xem xét hồ sơ cụ thể để giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.