Bộ Y tế: Ban hành danh mục VTYT thuộc phạm vi được hưởng BHYT

10/05/2017 04:37 PM


Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 04/2017/TT-BYT quy định danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế (VTYT) thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Luc Yen 170715.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Danh mục VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT bao gồm các loại VTYT tiêu hao, VTYT thay thế nhân tạo, vật liệu thay thế, vật liệu cấy ghép, dụng cụ chuyên môn.

Danh mục VTYT này là cơ sở để quỹ BHYT thanh toán chi phí VTYT sử dụng cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

Việc xây dựng danh mục VTYT sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ vào Danh mục VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh; năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế; danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế (sau đây viết tắt là dịch vụ kỹ thuật) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực tế sử dụng của năm trước theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT; ưu tiên VTYT sản xuất trong nước có chất lượng và giá thành hợp lý.

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi cơ quan bảo hiểm xã hội các tài liệu để làm cơ sở thanh toán như: Bảng kê danh mục VTYT chưa được tính chi phí vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này (bằng văn bản giấy và bằng văn bản điện tử định dạng excel); Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng VTYT (bằng văn bản giấy và bằng văn bản điện tử định dạng excel).

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập chọn áp dụng mua VTYT theo quy định của Điều 52 Luật đấu thầu thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lập bảng kê danh mục VTYT chưa được tính chi phí vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó theo mẫu tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan BHXH.

Hướng dẫn thanh toán chung

Đối với VTYT đã được tính chi phí vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh, quỹ BHYT không thanh toán riêng.

Căn cứ thanh toán đối với VTYT chưa được tính chi phí vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh bao gồm: Số lượng VTYT thực tế sử dụng cho người bệnh; Giá VTYT mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đối với VTYT có giá mua vào cao hơn mức thanh toán quy định thì thanh toán theo quy định; Điều kiện, tỷ lệ thanh toán, mức thanh toán theo quy định;  Phạm vi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT;

Mức thanh toán tổng chi phí VTYT cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở; không áp dụng quy định này đối với VTYT có quy định tỷ lệ thanh toán tại Thông tư.

Đối với VTYT được xếp theo nhóm chuyên khoa này nhưng sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật thuộc chuyên khoa khác, quỹ BHYT vẫn thực hiện thanh toán theo quy định tại Thông tư này.

Đối với VTYT có tên trong Danh mục VTYT tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự sản xuất, quỹ BHYT thanh toán khi sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm phê duyệt quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giá thành sản phẩm do cơ sở tự sản xuất và thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH để làm căn cứ thanh toán.

Quỹ BHYT không thanh toán đối với các trường hợp: VTYT đã được ngân sách nhà nước hoặc nguồn tài chính khác chi trả và VTYT sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thuộc phạm vi quyền lợi theo quy định của pháp luật về BHYT.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập chọn áp dụng mua VTYT theo quy định của Điều 52 Luật Đấu thầu, quỹ BHYT thanh toán theo giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cao hơn giá trúng thầu của cùng mặt hàng VTYT (cùng tên thương mại, chủng loại, tiêu chí kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, nhà sản xuất, nước sản xuất) và theo thời gian thực hiện hợp đồng được quy định tại quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần lượt như sau: Thứ nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh có số giường bệnh kế hoạch lớn nhất trên địa bàn; Thứ hai, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh khác hoặc tuyến trung ương trên địa bàn trong trường hợp VTYT không có trong kết quả trúng thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh có số giường bệnh lớn nhất; Thứ ba, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương trên địa bàn của các tỉnh giáp ranh trong trường hợp VTYT không có trong kết quả trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương trên địa bàn; Thứ tư, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến Trung ương khác trong trường hợp VTYT không có trong kết quả trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương trên địa bàn của các tỉnh giáp ranh.
 
KCB 010713.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hướng dẫn thanh toán đối với một số loại VTYT

Đối với VTYT có nhiều chủng loại, nhiều mức giá khác nhau, quỹ BHYT thanh toán theo giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng thanh toán không cao hơn mức thanh toán quy định tại cột 5 Danh mục VTYT tại Phụ lục 01 ban hành kèm Thông tư này và theo hướng dẫn thanh toán quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp người bệnh lựa chọn sử dụng loại VTYT có giá cao hơn mức thanh toán thì người bệnh phải tự chi trả phần chi phí chênh lệch giữa giá mua vào và mức thanh toán.

Đối với VTYT có quy định tỷ lệ thanh toán tại cột 5 tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này: Quỹ BHYT thanh toán theo hướng dẫn thanh toán chung quy định tại Điều 3 Thông tư (không áp dụng quy định về mức thanh toán tổng chi phí VTYT) và theo tỷ lệ thanh toán quy định tại cột 5 Danh mục VTYT tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với các loại VTYT khó định lượng khi sử dụng thì căn cứ vào điều kiện chuyên môn và tần suất thực hiện dịch vụ kỹ thuật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng định mức sử dụng và thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH; Quỹ BHYT thanh toán chi phí VTYT cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật bằng giá mua vào của VTYT nhân với định mức sử dụng; Trường hợp theo chỉ định chuyên môn, người bệnh chỉ sử dụng một phần của VTYT mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua vào và phần còn lại không thể sử dụng được (ví dụ: không có người bệnh sử dụng phần còn lại, phần còn lại không đủ để sử dụng, quá thời hạn sử dụng) thì quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí theo giá mua vào của VTYT đó.

Đối với các loại VTYT có đơn vị tính là “bộ”, quỹ BHYT thanh toán trọn gói theo bộ với trường hợp sử dụng toàn bộ các bộ phận trong “bộ”. Thanh toán trọn gói theo bộ khi các bộ phận còn lại không thể sử dụng được; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê các trường hợp không sử dụng được các bộ phận còn lại của VTYT và thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH. Thanh toán theo giá từng bộ phận đã sử dụng trong trường hợp có giá riêng lẻ của từng bộ phận trong “bộ”. Trường hợp không có giá riêng lẻ cho từng bộ phận được sử dụng thì căn cứ vào giá mua vào của “bộ” và tính chất đặc thù của từng VTYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê số lượng các bộ phận đã sử dụng, chưa sử dụng và thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH để làm căn cứ thanh toán.

Thông tư cũng quy định thanh toán đối với VTYT tái sử dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017. Trường hợp người tham gia BHYT vào viện trước ngày Thông tư này có hiệu lực và ra viện trong ngày hoặc sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư số 27/2013/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn Thông tư số 27/2013/TT-BYT hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

PV