• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Linh.D.Nguyen@marriotthotels.com
Ngày gửi:
30/04/2020
Lĩnh vực:
Câu hỏi thường gặp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Với nhân viên chọn nghỉ việc và lấy 3 tháng lương thất nghiệp vì kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh. Bởi theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: Người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước. Trường hợp người lao động tình nguyện nghỉ việc, thì có cần phải báo trước như người lao động không ạ? Vì trước khi đưa đến quyết định này, thì lương trước đã bị ảnh hưởng, từ 21/02-20/03 (ít nhất 3 ngày nghỉ không lương), từ 21/03 đến hết 31/03 những ai đã đi chưa thanh toán thì đã có ít nhất là 14 ngày không lương, và thuộc diện không đủ điều kiện đóng bảo hiểm cho tháng 3, theo em hiểu luật nhà nước là tính theo tháng chứ không phải lương như khách sạn đúng không ạ? Vậy thì ngày kí quyết định thôi việc của nhân viên sẽ được tính toán thế nào ạ để có thể đủ điều kiện lĩnh trợ cấp thất nghiệp. 2. Sau khi nghỉ 3 tháng không lương, và nếu tình hình kinh doanh vẫn chưa được khởi sắc trở lại, buộc lòng nhân viên sẽ cân nhắc chuyển sang nghỉ việc hoặc tiếp tục nghỉ không lương, thì có ảnh hưởng gì đến trợ cấp thất nghiệp của các bạn lấy sau này không ạ? 3. Nhân viên ở lại làm việc: ngày công có thể sẽ dưới 10 ngày công, vẫn có lương, nhưng cũng chưa đủ điều kiện đóng bảo hiểm, vậy thì việc bị ảnh hưởng đến việc nhận trợ cấp thất nghiệp nếu tình hình tiếp tục có khó khăn là gồm những gì ạ? trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch bệnh, thì 14 ngày phải cách ly có nhận đươc lương không ạ? Chế độ bảo hiểm của người lao động bị cách ly vì Covid-19 là bao gồm gì ạ? 4. Khi nhân viên đã tham gia đóng bảo hiểm 38 tháng, chuẩn bị thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khung này được hiểu là 4 tháng đúng không ạ (luật cũ), nhưng chỉ muốn lấy trước 2 tháng thôi, 2 tháng sau đó có được giữ lại cho đợt sau không? 5. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Vậy em có thể hiểu là nếu công ty cắt ngày lương, cho nghỉ hơn những ngày thứ 7, CN trong tháng 4, thì vẫn phải đảm bảo 14 ngày đi làm thì mới đủ điều kiện tham gia BHXH đúng không?

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
06/05/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

1. Về các nội dung liên quan đến chấm dứt HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 không thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH. Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương để được giải đáp cụ thể.

Theo quy định tại khoản 3 điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Điều 49 Luật Việc làm quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đó có điều kiện là đang tham gia đóng BH thất nghiệp mà chấm dứt HĐLĐ, HĐLV. Đồng thời khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định người lao động đang đóng BH thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đã đóng BH thất nghiệp và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH;

- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV mà tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Việc tình nguyện chấm dứt HĐLĐ là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, đề nghị Bạn căn cứ theo quy định nêu trên để thực hiện đảm bảo quyền lợi về BH thất nghiệp của mình.

2. Trường hợp Bạn nghỉ không lương. Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì trường hợp lao động nghỉ không hưởng lương tại đơn vị không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp do chưa chấm dứt HĐLĐ, HĐLV.

- Trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV sau khi nghỉ không hưởng lương tại đơn vị 03 tháng thì cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định người lao động đang đóng BH thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đã đóng BH thất nghiệp và được tổ chức BHXH xác nhận (tháng liền kề bao gồm cả thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị).

Tuy nhiên, đối với người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà không đủ điều kiện hưởng BH thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19) thì được hưởng trợ cấp theo gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

3. Theo quy định tại Điều 49, Luật Việc làm thì một trong những điều kiện để xem xét giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, theo Bạn trình bày thì Bạn vẫn đi làm nên Bạn không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp;

Đối với các trường hợp do ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID -19 thì được dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH 2014 và Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi Dịch Covid -19; Về việc trả lương đối với thời gian cách ly 14 ngày vì dịch Covid - 19 thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, Bạn liên hệ với đơn vị để nắm được thông tin rõ hơn.

4. Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp: Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm và Khoản 7, Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BH thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp đã đóng BH thất nghiệp được 38 tháng thì sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu 02 tháng đóng BH thất nghiệp chưa hưởng (tháng lẻ).

- Về trường hợp Bạn chỉ muốn nhận 02 tháng trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 54 Luật Việc làm thì sau khi đã hưởng 02 tháng trợ cấp thất nghiệp, Bạn sẽ được bảo lưu thời gian đóng BH thất nghiệp chưa hưởng tương ứng với thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Tìm được việc làm;

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tòa án tuyên bố mất tích;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BH thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BH thất nghiệp.

5. Theo quy định tại khoản 3 điều 85 Luật BHXH năm 2014 “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Ngày làm việc ở đây được hiểu là số ngày phải làm việc của người lao động trong một tháng theo nội quy, quy định của đơn vị cũng như nội dung thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện trên HĐLĐ nhưng không được trái với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Bộ luật Lao động. Nếu đơn vị quy định thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì những ngày này không được tính là ngày làm việc để xét điều kiện không đóng BHXH tháng đó.

Như vậy, điều kiện không phải đóng BHXH trong tháng là người lao động phải nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương chứ không phải là phải đi làm từ 14 ngày trở lên trong tháng mới đóng BHXH tháng đó. 

  • CÂU HỎI LIÊN QUAN