• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Thị Hoàng Hoa
Ngày gửi:
07/07/2021
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Chồng tôi làm trưởng ca của một ca sản xuất. Trong quá trình lao động chồng tôi cùng 1 công nhân khác sửa chữa điện của xưởng thì không may công nhân trong ca điều khiển máy cẩu văng vào chân chồng tôi. Chồng tôi bị gẫy xương cẳng chân phải đã mổ và về nhà đến nay được 60 ngày. Khi được đưa lên trung tâm y tế huyện chụp chiếu thì các bác sĩ bảo gẫy cả 2 xương phải mổ. Thấy vết rách to chẩy nhiều máu lại gẫy cả 2 xương tôi rất lo lắng và muốn chuyển chồng lên tuyến trên để mổ. Gia đình đã mang chồng tôi đi trái tuyến. Sau khi mổ bảo hiểm đã chi trả 32 % còn lại 68% gia đình đã chi trả. Vậy tôi muốn hỏi khi gia đình thấy tính nguy hiểm và cấp bách như vậy chuyển chồng đi có đúng hay không. Vì nay khi chồng tôi ra viện về công ty báo với chồng tôi giám đốc công ty quyết định chi trả 17 triệu trong khi chồng tôi thanh toán viện phí hết gần 23 triệu chưa có tiền thuốc men. Khi gia đình từ chối nhận số tiền bồi thường trên thì được trưởng phòng hành chính công ty trả lời đc sự uỷ quyền của bgđ trả lời vk ck tôi là công ty căn nhắc chỉ chi trả được có như vậy. Nếu ở tuyến huyện hưởng 80% bảo hiểm k còn bao nhiêu nữa công ty sẽ chi trả hết. Nhưng đây là gia đình tự ý đi, chả lẽ gia đình đi viện tư hết nhiều tiền công ty cũng phải tri trả. Chính vì vậy gia đình tôi chưa nhận khoản bồi thường của công ty. Vấn đề thứ 2 tôi muốn hỏi: lúc chồng tôi bị tai nạn ct đã cho người lập biên bản hiện trường. Vậy chồng tôi có thể xin biên bản hiện trường để sau này phục vụ cho việc đi giám định thương tật hay không. Vì khi gia đình đề cấp đến việc đi giám định thì công ty trả lời nên xem xét lại vì giám định gia đình phải tri trả hoàn toàn và mức độ không được hưởng chi trả. Vấn đề thứ 3: việc bồi thường không thoả đáng thì gia đình chúng tôi viết đơn lên cơ quan nào để được hoà giải.

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
16/07/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

* Về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này. * Về trách nhiệm của người sử dụng lao động Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: 1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau: a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 24 3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; 4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng; 6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; 7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người; 8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; 9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này. 10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. BHXH Việt Nam cung cấp nội dung quy định của chính sách pháp luật về điều kiện hưởng chế tai nạn lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động để Bạn đọc nắm được quyền lợi của chồng Bạn đọc và yêu cầu Công ty nơi chồng Bạn đọc làm việc thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định. Trong trường hợp Công ty không giải quyết thì chồng Bạn đọc có thể thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, nếu Chồng Bạn đọc thuộc đối tượng được hưởng thì chồng Bạn đọc có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu Công ty giải quyết. Nếu Công ty vẫn không giải quyết thì chồng Bạn đọc có thể gửi đơn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét trả lời