• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn thị thu hồng
Email:
hong.bacsibotay@gmail.com
Ngày gửi:
17/06/2021
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Trên đường đi làm từ nhà đến công ty , tôi tránh xe qua đường nên thắng gấp và té ngã . Tôi được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Thủ Đức . Sau khi khám với kết quả chấn thương ở đầu gối trái , cánh tay trái và đầu . Bác sĩ cho về uống thuốc nếu không hết đau thì vào chụp IMR . Về uống thuốc vài ngày không hết , tôi vào viện chụp IMR thì bị đứt dây chằng chéo trước , rách sụn chiêm trong , ngoài gối trái phải nhập viện mổ tái tạo dây chằng và nghĩ điều trị vài tháng . Xin cho hỏi vậy tôi có được hưởng BHTN hay có được hưởng chế độ lương gì không ? Xin cảm ơn !

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
25/06/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

- Về điều kiện hưởng chế độ ốm đau Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động (TNLĐ) phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do TNLĐ. - Về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ: Điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Việc xác định người lao động bị tai nạn có phải là TNLĐ hay không thuộc trách nhiệm của đoàn điều tra TNLĐ. Trường hợp Bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, nếu được Đoàn điều tra TNLĐ kết luận là TNLĐ và Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì đủ điều kiện xem xét giải quyết chế độ TNLĐ. Trong trường hợp Bạn được xác định là TNLĐ thì không được giải quyết chế độ ốm đau trong thời gian điều trị TNLĐ theo quy định nêu trên. Trường hợp Bạn không được xác định là TNLĐ, Bạn nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật BHXH cho đơn vị để đơn vị đề nghị cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với Bạn. 22 - Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ: + Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này. + Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 239/ATLĐ-CSBHLĐ ngày 15/5/2019 thì trường hợp người lao động bị tai nạn từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động; không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị. BHXH Việt Nam cung cấp các quy định nêu trên để Bạn đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để được đảm bảo quyền lợi của bản thân.