• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Khuất Duy Phúc
Ngày gửi:
16/05/2021
Lĩnh vực:
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Trên đường đi làm từ công ty về nhà trong khung giờ quy định nên CTY xét tai nạn lao động nhưng chỉ chi trả phần chi phí lúc đầu điều trị và không hỗ trợ lương gì hết mà chỉ có đóng bhxh phần của CTY, còn phần cá nhân đóng thì em vẫn phải đóng, với trường hợp này của em thì CTY đã làm đúng luật chưa ạ? Sau đó bác sĩ phát hiện sau tai nạn lần đó em bị dò động mạch cảnh xoang hang phải can thiệp với chi phí sau khi trừ BHYT chi trả thì gia đình phải bỏ ra thêm 130 triệu nữa.Tất cả giấy tờ chi phí điều trị lần này đều nộp về CTY nhưng không thấy hổ trợ gì hết? Hiện tại triệu chứng vẫn chưa ổn định nên em vẫn phải tái khám định kỳ, bác sĩ chỉ định phải làm can thiệp lần nữa nhưng vì chi phí cao nên em mới đi giám định y khoa và được hội đồng giám định kết luận với tỉ lệ thương tật 56 . Với tỉ lệ này nếu cty không nhận em làm việc thì có đúng luật không?Sau tai nạn vì chưa biết bị Dò động mạch cảnh này nên đã giải quyết với bên gây ra tai nạn là mọi chi phí bên nào bên đó tự chi trả, lúc này công an chỉ cho em giấy chứng nhận TNGT ở trong đó có ghi lỗi của em do đi lấn sang phần đường bên kia dẫn đến tai nạn, không biết có phải vì lí do này không mà CTY không chi trả và hổ trợ lương gì thêm sau cái lần chi trả lúc đầu đó thôi.Đến bây giờ cty làm chế độ tai nạn lao động cho em yêu cầu Em phải xin đc Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn thì mới đủ hồ sơ để nộp lên cơ quan Bhxh? Vì thời gian từ đó đến nay cũng đã 8 tháng nên bên công an họ không làm được biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường được nữa! Trường hợp này của em chỉ có giấy chứng nhận TNGT do công an giao thông cấp không làm được Hồ sơ chế độ tai nạn lao động hay sao ạ?Mong sớm nhận được câu trả lời từ anh ạ!

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
21/05/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

1. Nội dung Bạn hỏi về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với
người lao động bị tai nạn lao động, như: chi trả tiền lương, thanh toán chị phí y
tế, tiếp nhận người lao động trở lại làm việc, …., đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan
Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương để được trả lời theo thẩm quyền.
2. Về việc giải quyết chế độ BHXH về tai nạn lao động
Điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy
định: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ TNLĐ
khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc
về nơi ở trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao
động từ 5% trở lên.
Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định hồ sơ hưởng chế độ
TNLĐ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã
điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm
khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; Văn bản đề nghị giải quyết
chế độ TNLĐ (Mẫu 05A-HSB). Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm
hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở
thực hiện GĐYK.
Theo quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, khi điều tra tai
nạn lao động, đối với trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm
việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều
tra một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này
thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn
nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao
động.
Đề nghị Bạn đối chiếu quy định nêu trên để thực hiện.