An Giang: Vào cuộc sớm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT

27/01/2022 06:50 PM


UBND tỉnh An Giang yêu cầu các Sở, ngành, UBND các cấp tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chi KCB BHYT trong năm 2022…

Ông Đặng Hồng Tuấn – Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh vừa có Công văn về việc tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Qua đó, yêu cầu các sở, ngành, UBND các cấp vào cuộc sớm.

Theo ông Tuấn, năm 2021, toàn tỉnh có số chi KCB BHYT là 1.097 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,42% so với dự toán chi KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, giảm 22% so với năm 2020. Dù vậy, vẫn còn một số bất cập là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Trong đó, có 11/27 cơ sở có tỷ lệ gia tăng chi phí bình quân cao hơn bình quân chung của tỉnh; 7/27 cơ sở KCB có gia tăng chi phí bình quân nội trú cao hơn bình quân chung của tỉnh; 10/27 cơ sở KCB có tỷ lệ điều trị nội trú gia tăng cao hơn bình quân chung của tỉnh; một số cơ sở KCB có tỷ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền tăng, tập trung phần lớn các cơ sở KCB tuyến huyện (7/27 cơ sở) và tuyến xã (36/154 cơ sở)…

Trước thực trạng này, ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đã chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan và đơn vị liên quan cùng vào cuộc sớm, với nhiều giải pháp ngay từ đầu năm.

Cụ thể, đối với BHXH tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT năm 2022 được Chính phủ giao; phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có số chi KCB BHYT cao hơn so với bình quân chung của bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, có tỷ lệ một số nhóm dịch vụ y tế bất thường; chủ động tham gia có hiệu quả vào quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc tại địa phương; phối hợp với cơ sở KCB thực hiện cung ứng, mua sắm đủ thuốc phục vụ người bệnh theo quy định và không để người bệnh phải tự mua.

Toàn cảnh cuộc họp

Cơ quan BHXH cần tăng cường phối hợp với cơ sở KCB BHYT trong quản lý thanh toán chi phí vật tư y tế theo chế độ BHYT tại địa phương. Trường hợp phát hiện việc mua sắm vật tư y tế chưa đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, về lựa chọn nhà thầu theo quy định, báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để chỉ đạo, kiểm tra về tính hợp pháp của kết quả lựa chọn nhà thầu, làm căn cứ thanh toán chi phí theo chế độ BHYT;

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo quyền lợi KCB của người bệnh BHYT, đề nghị cơ sở KCB đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh BHYT theo quy định, không để người bệnh BHYT phải tự chi trả các khoản chi phí trong phạm vi quyền lợi KCB của người tham gia BHYT; hàng tháng, thông báo các chỉ số bình quân chung của các cơ sở KCB BHYT cùng hạng trên toàn quốc như: tỷ lệ người bệnh BHYT vào điều trị nội trú, tỷ lệ chi tiền giường, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh … cho các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh biết để điều chỉnh kịp thời; báo cáo định kỳ mỗi quý một lần hoặc đột xuất (trong trường hợp cần thiết) với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam về tình hình sử dụng nguồn kinh phí chi KCB BHYT, đề xuất các giải pháp để chỉ đạo thực hiện đảm bảo sử dụng có hiệu quả dự toán được giao…

Đối với Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh và cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về BHYT; cập nhật, chuyển dữ liệu chi phí KCB lên hệ thống giám định BHYT theo quy định, để việc giám định, thanh toán chính xác kịp thời; chỉ đạo các cơ sở KCB trực thuộc xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát; thực hiện cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT;

Phối hợp BHXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có số chi KCB BHYT cao hơn so với bình quân chung của bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, có tỷ lệ một số nhóm dịch vụ y tế bất thường. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT và đề xuất các giải pháp để kiểm soát chỉ KCB BHYT có hiệu quả, đảm bảo chi KCB trong phạm vi dự toán được giao.

Toàn cảnh cuộc họp

Sở Tài chính có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch để đảm bảo chuyển đủ và kịp thời kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo; Phối hợp phân bổ, bổ sung nguồn kinh phí KCB BHYT trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc sử dụng dự toán chi KCB BHYT của Chính phủ giao, đặc biệt đối với các đơn vị có số chi KCB BHYT tăng cao bất thường, các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Giám đốc các cơ sở KCB cần phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng kinh phí KCB BHYT đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; tiết kiệm trong chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và các chi phí khác trong KCB và sử dụng quỹ BHYT tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH trong việc tiếp nhận và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID để KCB cho người có thẻ BHYT…

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đảm bảo 100% cấp xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, có thành viên là cán bộ cơ quan BHXH; chỉ đạo các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn; đảm bảo sử dụng quỹ KCB tiết kiệm, hiệu quả để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân…

 

PV