Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

27/01/2022 09:01 AM


Ngày 26/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 138/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại SHTP-Traing. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Theo đó, bổ sung thêm mục tiêu cụ thể của Đề án là: Đến năm 2025, cơ sở dữ liệu 4.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 400 công nghệ được chuyển giao; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ; 4.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 200 đối tác công nghệ quốc tế. Số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 10%/năm; 30% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Đến năm 2030, cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế. Số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án, Quyết định đã sửa đổi nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ thông qua đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài làm việc và đào tạo tại Việt Nam.

Cùng với đó, hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng về tìm kiếm, đàm phán, đánh giá, thẩm định giá, chuyển giao, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Giải pháp về triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cũng được sửa đổi. Theo đó, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp: Nghiên cứu, đào tạo, tìm kiếm, phân tích, đánh giá, thẩm định, giải mã, chuyển giao công nghệ...; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển giao, giải mã, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác tài sản trí tuệ, tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.