Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bảo vệ bí mật Nhà nước
16/11/2018 10:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 15/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Trước khi biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 (ngày 25/10/2018) về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:
Về nội dung phạm vi bí mật nhà nước, UBTVQH nêu rõ, tại Báo cáo số 323/BC-UBTVQH ngày 10/10/2018 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước báo cáo trước Quốc hội, UBTVQH đã giải trình cụ thể về quy định phạm vi bí mật nhà nước của dự thảo Luật, theo đó, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở phạm vi tại Điều này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục cụ thể về bí mật nhà nước theo trình tự, thủ tục chặt chẽ (như vậy không phải tất cả các thông tin trong các lĩnh vực này đều là mật). Nghiên cứu pháp luật về bảo vệ bí mật của một số nước cũng có quy định tương tự về phạm vi bí mật nhà nước. Vì vậy, UBTVQH cho rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninhVõ Trọng Việt báo cáo trước Quốc hội.
Về ban hành danh mục bí mật nhà nước, UBTVQH đánh giá, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật vì cho rằng không phù hợp, không thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, UBTVQH đã tiếp thu và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại nội dung của Điều này theo hướng không quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời, bổ sung khoản 4 quy định về trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Đồng thời, UBTVQH nhận thấy, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là thông tin có tính chuyên ngành, đặc thù, trong đó có những thông tin cần được bảo vệ kể từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo danh mục bí mật nhà nước. Việc quy định thành lập Hội đồng thẩm định sẽ không bảo đảm yêu cầu bảo vệ thông tin. Mặt khác, thực tế hiện nay, danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đang được xây dựng theo quy trình rất chặt chẽ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều lấy ý kiến tham gia, thẩm định của các đơn vị chuyên môn, rà soát kỹ nội dung trước khi ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, UBTVQH chỉ rõ, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật hiện hành sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để quy định về hành vi chiếm hữu trái pháp luật (như cướp, cướp giật, chiếm đoạt, công nhiên chiếm đoạt, cưỡng đoạt, trộm cắp…). Đối với hành vi chiếm hữu bí mật nhà nước trái phép, UBTVQH thấy rằng thuật ngữ “chiếm đoạt” đã cơ bản thể hiện được hành vi “trộm cắp” bí mật nhà nước như ý kiến ĐBQH, đồng thời cũng thống nhất với quy định tại Điều 337 của Bộ luật Hình sự.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua.
Về các hành vi cấm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước đối với địa điểm chứa bí mật nhà nước, UBTVQH đánh giá, các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước đối với địa điểm chứa bí mật nhà nước, khu vực cấm, địa điểm cấm đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Cảnh vệ, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; trong các văn bản này đã quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động bảo vệ đối với các công trình, địa điểm này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung trên trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, UBTVQH nêu rõ, thuật ngữ “mạng máy tính” hiện được sử dụng trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy chưa có văn bản giải thích cụ thể thuật ngữ “mạng máy tính” nhưng về cơ bản đều được hiểu thống nhất là sự kết hợp các máy tính lại với nhau thông qua các thiết bị kết nối mạng bằng nhiều phương thức khác nhau (không dây, có dây) ở nhiều quy mô khác nhau (LAN, WAN, GAN…). Do đó, việc sử dụng máy tính hoặc thiết bị kết nối với mạng máy tính, mạng viễn thông để soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị xâm nhập từ bên ngoài và thậm chí từ những cá nhân được phép sử dụng mạng nội bộ, gây mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, mất bí mật nhà nước. Thực tế, qua kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên môi trường mạng máy tính đối với một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát hiện nhiều máy tính nối mạng LAN, WAN, Internet bị lây nhiễm các biến thể mã độc thuộc nhiều dòng virus khác nhau. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 444 đại biểu tán thành, chiếm 91,55% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm 5 Chương, 28 Điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Các quy định của Luật này liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.
PV (theo quochoi.vn)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?