Tọa đàm báo chí về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP
15/11/2018 04:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH tổ chức Tọa đàm báo chí về cam kết lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tham dự có Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Trưởng nhóm Lao động, Đoàn đàm phán TPP Nguyễn Mạnh Cường; Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cùng các phóng viên báo chí TW và Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Thông tin tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TBXH cho biết, chiều ngày 12/11, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt (469 đại biểu) biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Tọa đàm là cơ hội để chia sẻ các thông tin về các cam kết của Việt Nam trong CPTPP; các nghiên cứu, đánh giá tác động của CPTPP đối với vấn đề lao động việc làm ở Việt Nam.
Liên quan đến các cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP nằm ở Chương Lao động và Thư trao đổi. Trong đó, cam kết chung về lao động của CPTPP được giữ nguyên trong Chương Lao động của TPP; cam kết riêng về lao động của Việt Nam trong CPTPP là thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng 10 nước CPTPP.
Các cam kết chung được quy định tại Chương Lao động (Chương 19) trong CPTPP bao gồm: Các bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO: Tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động (Mức thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong các FTA trên thế giới); quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Cam kết riêng về lao động của Việt Nam trong CPTPP được thể hiện trong thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng 10 nước CPTPP với các nội dung: Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (cam kết chung) trong Chương Lao động kể từ ngày CPTPP có hiệu lực với Việt Nam; Đối với các phạm vi của Việt Nam (nếu có) liên quan tới các cam kết chung trong Chương Lao động thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực; Đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) đối với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực; Trong thời gian từ khi CPTPP có hiệu lực 5 năm đến trước khi CPTPP có hiệu lực 7 năm, các vấn đề liên quan đến vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội sẽ tiếp tục được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng lao động của CPTPP theo điều 19.12.
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Lý giải về việc đưa nội dung cam kết lao động vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, vào năm 1995 mới chỉ có 3 hiệp định FTA có nội dung cam kết về lao động (chiếm 7.3%) thì đến năm 2016 đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (chiếm 28.8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (rơi vào các hiệp định của Mỹ, Canada và EU).
Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Việc đưa nội dung lao động vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) không phải là mới mà đã xuất hiện từ năm 1995. Gần đây, những vấn đề về lao động đã được thảo luận rộng rãi, không chỉ trong khuôn khổ của Tổ chức Lao động quốc tế mà còn ở các diễn đàn lớn của Liên hợp quốc. Từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục nghiên cứu cơ bản đánh giá về tác động của việc tham gia các FTA trong đó có CPTPP đối với Việt Nam. Dựa trên giả thiết Việt Nam tham gia tích cực, có sự chuẩn bị sẵn sàng, nhìn chung, kết quả các nghiên cứu này đều khả quan.
Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng tiến hành một nghiên cứu trong thời gian gần đây trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu tác động về mặt kinh tế thương mại đối với Việt Nam khi tham gia các FTA. Theo đó, về khía cạnh lao động việc làm và các vấn đề xã hội, khi tham gia CPTPP, số việc làm được tạo ra từ năm 2020 trở đi cho lao động Việt Nam ở mức từ 17-27 nghìn việc làm hàng năm. Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ ở mức khoảng 18-19 nghìn việc làm. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu, số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động kỹ năng sẽ tăng lên, thể hiện ở số việc làm với lao động có trình độ nhiều hơn.
Việc tham gia các FTA cũng tác động đến vấn đề tiền lương tích cực hơn. Những ngành, nghề được hưởng lợi nhiều gồm: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử. Đối với cải thiện phúc lợi, các FTA cũng góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nói chung cho người lao động. Các FTA cũng giúp tăng trưởng luồng đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng, cải thiện cơ cấu lao động... Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đào Quang Vinh, sự phân hóa về tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa lao động có kỹ năng, trình độ cao với lao động trình độ thấp. Điều này cũng đặt ra thách thức trong các chính sách về lao động việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội...
Tiến sỹ Đào Quang Vinh nhận định, thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia CPTPP là làm thế nào tận dụng được các cơ hội do hiệp định này mang lại. “Hiệp định này đặt ra những điều kiện, quy định Việt Nam cần tuân thủ. Đối với lĩnh vực lao động việc làm, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là những tuân thủ về lao động, sự chuẩn bị của Việt Nam về nguồn nhân lực. Ví dụ, đối với rào cản về thuế, khi mức thuế giảm đi, liệu Việt Nam có tăng cường năng lực sản xuất để có thể tận dụng được cơ hội ở thị trường hay không. Điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị các nguồn lực về đầu tư, về con người để đảm bảo hàng hóa Việt Nam được các thị trường trong các hiệp định chấp nhận”, Tiến sỹ Đào Quang Vinh nói. Tiến sỹ Đào Quang Vinh nêu thực trạng, các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, có sự nghiên cứu chuẩn bị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp, khi được nghiên cứu, khảo sát vào cuối năm 2017, thời điểm CPTPP gần như đã đàm phán xong, chỉ nắm chung chung về hiệp định này, chưa rõ về các điều khoản, nội dung cụ thể; từ đó cho thấy, sự sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia CPTPP chưa cao.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?