“An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”
16/10/2018 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là chủ đề Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 3 do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 18-25/10 tại Tp.Hà Nội và tỉnh Ninh Bình. Đây là thông tin vừa được cung cấp tại buổi Họp báo thông tin về Hội nghị AMMW vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều qua (15/10), tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi Họp báo.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Trưởng Ban tổ chức Hội nghị AMMW, Trưởng đoàn của Việt Nam đã chủ trì cuộc Họp báo. Tham dự buổi Họp báo còn có đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Hội nghị AMMW được tổ chức 03 năm/ lần để các Bộ trưởng phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới của các nước ASEAN thảo luận việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong khu vực và tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Trong khuôn khổ các Hội nghị này, các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn sẽ thông qua các khuyến nghị, đề xuất của Ủy ban phụ nữ ASEAN (ACW) - cơ quan giúp việc cho các Bộ trưởng ở cấp quan chức và có những chỉ đạo, định hướng cụ thể cho giai đoạn hợp tác tiếp theo trong kênh phụ nữ ở cấp khu vực và quốc gia.
Theo thống nhất trong ASEAN và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị AMMW lần thứ 3 sẽ do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì tổ chức. Hội nghị AMMW với chuỗi sự kiện liên quan sẽ được tổ chức tại Tp.Hà Nội và tỉnh Ninh Bình từ ngày 18-25/10/2018, bao gồm 03 Hội thảo về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và kinh tế - việc làm, bình đẳng giới, truyền thông; 01 Đối thoại cấp cao ASEAN - EU về phụ nữ và các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; 04 Cuộc họp chính thức của ACW, Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), Tham vấn ACW- ACWC và Hội nghị AMMW lần thứ 3... Dự kiến, Hội nghị AMMW sẽ ra Tuyên bố chung để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 vào cuối năm 2018.
Lễ khai mạc Hội nghị AMMW lần thứ 3 sẽ được diễn ra vào ngày 25/10, với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu bao gồm đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng và các quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới đến từ các nước thành viên ASEAN (01 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Malaysia; 07 Bộ trưởng và 02 Thứ trưởng các nước thành viên); Lãnh đạo và đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khu vực có liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em; Lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan tại Việt Nam. Ban Tổ chức Hội nghị AMMW lần thứ 3 cũng cho biết, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc Hội nghị AMMW lần thứ 3.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Họp báo.
Phát biểu khai mạc buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Hội nghị AMMW lần thứ 3 năm nay diễn ra trong bối cảnh các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh.
“Tuy nhiên, trong ASEAN hiện nay, nhiều chính sách vẫn còn tồn tại bất cập, khiến phụ nữ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Mặt khác, hiện tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới... Vì vậy, tăng cường hơn nữa an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái được coi là một trong những ưu tiên cần nhấn mạnh trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về phụ nữ trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định.
Trên cơ sở đó, ngoài việc thông qua các hoạt động hợp tác về phụ nữ do ACW báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo, các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn cũng sẽ chia sẻ các quan điểm về việc thúc đẩy an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, hiện thực hóa các cam kết liên quan của các Nhà Lãnh đạo ASEAN như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội (2013); Tuyên bố ASEAN về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và phòng, chống bạo lực đối với trẻ em (2013); Khuôn khổ và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội (2015); Kế hoạch hành động khu vực về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và Kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em (2015).
Tại Việt Nam, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động, bị trả công thấp, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả vấn đề các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn bán người.
Cùng với đó, bối cảnh tốc độ già hóa dân số khu vực ngày càng nhanh, với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, phụ nữ già cô đơn không nơi nương tựa cần sự trợ giúp, những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi, cũng là những nội dung được các nước thành viên ASEAN chú trọng.
Trước những mối quan tâm của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, liên quan đến việc tăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, chủ đề “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025” do Việt Nam đề xuất được các nước ủng hộ và đánh giá cao. Theo đó, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng sẽ trao đổi các giải pháp ở tầm khu vực và quốc gia về tăng cường và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm hiện thực hoá Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội.
Trước thềm Hội nghị AMMW lần thứ 3 sẽ diễn ra Hội nghị của ACW lần thứ 17 và Hội nghị Ủy ban Phụ nữ ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bàn, Hàn Quốc). Liền kề trước đó cũng sẽ diễn ra một loạt các cuộc họp/ hội nghị/ đối thoại của ACWC và của ACW với EU cùng các đối tác về tăng cường quyền năng kinh tế, nâng cao nhận thức giới trong truyền thông...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?