Tinh vi thủ đoạn đưa ma tuý vào trại giam
15/10/2018 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các đối tượng bên ngoài tráng bánh đa rồi nghiền ma túy (heroin) rải lên, hoặc hòa tan heroin trong nước, sau đó dùng xi lanh bơm vào chai, dùng keo bịt lại và gửi vào tiếp tế cho phạm nhân. Khi nhận được các chai nước này, phạm nhân sẽ dùng biện pháp cô đọng heroin ở dạng ban đầu, sau đó chia nhau sử dụng hoặc bán cho người khác có nhu cầu...
Kiểm tra phạm nhân trước khi vào phân trại để tránh trường hợp mang ma túy vào trại giam.
Hơn 400 vụ án ma tuý trong trại giam
Hiện nay, Bộ Công an đang quản lý 54 trại giam trên 130 nghìn phạm nhân; trong đó có 55.899 phạm nhân có án phạt tù về ma tuý, 34.525 phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy. Do vậy, nhu cầu sử dụng ma túy của các phạm nhân này là tương đối cao, dẫn đến tình trạng vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép ma túy trong trại giam diễn biến hết sức phức tạp, với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Thực trạng đó đã gây ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm an ninh trật tự trong trại giam và khu vực xung quanh.
Để giải quyết tình trạng phức tạp về ma túy trong các trại giam và khu vực xung quanh trại giam, Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo các trại giam thực hiện nghiêm Luật Thi hành án hình sự; các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Công an quy định về công tác quản lý, giam giữ phạm nhân; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh và xử lý kịp thời các hành vi phạm tội về ma túy cũng như các hành vi vi phạm nội quy có liên quan đến ma túy xảy ra trong trại giam góp phần tạo môi trường lành mạnh, an toàn để phạm nhân yên tâm cải tạo.
Theo báo cáo của Bộ Công an từ năm 2010 đến tháng 6/2018, các trại giam đã tiến hành khởi tố 416 vụ án về ma túy trên tổng số 885 vụ án xảy ra trong trại giam. Điển hình như năm 2014, Trại giam Tân Lập phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành điều tra, triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ ngoài vào trại giam với hàng chục đối tượng (gồm phạm nhân và các đối tượng ở ngoài xã hội) tham gia, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Năm 2016, Trại giam Xuân Nguyên phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng đều là phạm nhân đang thụ án có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy cung cấp cho phạm nhân trong trại; thu giữ 4,7 gam ma túy “đá” và 3,6 gam heroin.
Từ năm 2013 đến đầu năm 2018, Trại giam Thanh Lâm phối hợp với Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa liên tiếp phát hiện nhiều vụ phạm nhân câu kết với các đối tượng bên ngoài vận chuyển ma túy vào trong trại giam... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các tội phạm liên quan đến ma túy còn gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; đồng thời tìm mọi cách che giấu xóa dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan.
Thủ đoạn tinh vi
Qua thực tiễn đấu tranh của lực lượng công an cho thấy, thủ đoạn phạm tội của đối tượng phổ biến là các đối tượng là phạm nhân tìm cách liên lạc với các đối tượng bên ngoài để thỏa thuận, thống nhất về việc mua bán và đưa ma túy vào...
Cách thức liên lạc giữa các đối tượng này chủ yếu tập trung vào một số hình thức như: Lợi dụng việc phạm nhân đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế bên ngoài; người đã chấp hành xong án phạt tù được trả tự do; thăm gặp thân nhân; đi lao động sản xuất; người dân xung quanh nơi trại giam đóng quân… Phổ biến nhất là thông qua sử dụng điện thoại di động mà phạm nhân đã lén lút đưa vào trong trại giam bằng con đường thăm gặp, nhận quà, bưu phẩm, bưu kiện để liên lạc.
Sau khi liên lạc, thỏa thuận, thống nhất địa điểm giao “hàng”, cách thức thanh toán, các đối tượng tiến hành giao nhận dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, hình thức trực tiếp giao nhận ma túy đa số được thực hiện trong quá trình phạm nhân gặp thân nhân, ma túy được cất giấu một cách tinh vi trong đồ thăm gặp chuyển cho phạm nhân đưa vào trại giam hoặc giữa phạm nhân giao nhận trực tiếp với nhau.
Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng địa hình, địa vật ở trại giam để thống nhất địa điểm kín đáo tại khu vực lao động, sản xuất bên ngoài trại giam hoặc đường đi trong trại giam...rồi lợi dụng ban đêm để bí mật đặt ma túy vào đó. Ngoài ra, còn lợi dụng các khu dân cư và đường đi tiếp giáp với tường rào bảo vệ khu vực giam giữ phạm nhân để ném ma túy vào. Những phạm nhân mua ma túy lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý có thể trực tiếp hoặc thông qua phạm nhân khác đến lấy “hàng” tại nơi đã cất giấu để chuyển vào buồng giam. Trong một số trường hợp, việc giao nhận còn được các đối tượng thực hiện bằng cách giấu ma túy trong bưu kiện và sử dụng địa chỉ nơi gửi sai để gửi cho phạm nhân theo đường bưu điện.
Ma túy đưa vào trong trại giam chủ yếu là heroin được chia làm nhiều gói với kích thước nhỏ và thường được cất giấu thông qua các hình thức cất giấu trong người để tránh sự phát hiện của cán bộ trại giam, phạm nhân thường lợi dụng những vị trí khó kiểm tra, lục soát trên cơ thể mình để giấu ma túy. Các đối tượng gói kín ma túy trong bao cao su, túi nilon nuốt vào bụng, ngậm trong miệng, nhét vào các bộ phận trên cơ thể. Phạm nhân còn cầm từng tép nhỏ kẹp giữa các ngón tay, phòng khi cán bộ phát hiện thì nuốt ma túy vào trong bụng hoặc búng khỏi tay để phi tang…Việc cất giấu có thể do chính những phạm nhân phạm tội thực hiện hoặc thuê phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy để giấu ma túy, mang vào trại giam.
Cùng với đó các đối tượng thường lợi dụng những đồ vật được phép sử dụng trong trại giam để giấu “hàng”. Thông qua con đường thăm gặp, gửi đồ tiếp tế, chúng giấu ma túy trong những đồ vật khó kiểm tra, lục soát như bỏ vào giữa các viên kẹo, bánh, xương ống lợn, gà, cá khô, bột ngũ cốc, đồ uống, hóa mỹ phẩm, cho vào gấu quần, gấu áo, chăn màn rồi khâu lại như ban đầu…
Tinh vi hơn, các đối tượng bên ngoài còn tráng bánh đa rồi nghiền ma túy (heroin) rải lên, hoặc hòa tan heroin trong nước, sau đó dùng xi lanh bơm vào chai, dùng keo bịt lại và gửi vào tiếp tế cho phạm nhân. Khi nhận được các chai nước này, phạm nhân sẽ dùng biện pháp cô đọng heroin ở dạng ban đầu, sau đó chia nhau sử dụng hoặc bán cho người khác có nhu cầu.
Ngoài ra, một cách mà các đối tượng thường lựa chọn những địa điểm cố định khó kiểm tra, lục soát để cất giấu tại chỗ hoặc khu vực lao động, sản xuất như bếp ăn, nhà xưởng nhằm tránh sự phát hiện của cán bộ quản lý. Chúng có thể cất giấu dưới nền gạch men lát sàn nằm của phạm nhân, chôn ở khu đất trồng hoa trong sân khu giam hoặc ở các góc khuất trong buồng giam như cạnh tường cửa sổ, ô văng cửa sổ, trong bồn vệ sinh, bể nước tắm... Khi có cơ hội, mới tiến hành việc bán hoặc sử dụng.
Về thủ đoạn thanh toán, các phạm nhân và những đối tượng bên ngoài thông qua những người đã chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân lao động trên diện rộng để chuyển tiền hoặc giữa gia đình phạm nhân mua bán thanh toán với nhau. Thủ đoạn thanh toán tương đối phổ biến là thanh toán bằng cách chuyển tiền qua tài khoản. Đối tượng bán ma túy lập tài khoản tại ngân hàng, khi phạm nhân nhận được ma túy sẽ liên lạc với người thân để chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng bán ma túy. Nếu người bán là phạm nhân đang thụ án trong trại giam, đối tượng mua sẽ nhắn người nhà gửi tiền (trực tiếp hoặc qua tài khoản) cho đối tượng ở bên ngoài (có thể là người thân hoặc đối tượng khác) đã được thông báo trước.
Cần có giải pháp đồng bộ
Trước tình hình trên, trong thời gian tới, các trại giam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phạm nhân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thi hành án hình sự; giáo dục, cải tạo phạm nhân. Phát động phong trào “Trại giam không có ma túy”, vận động phạm nhân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng trong trại giam.
Phối hợp với chính quyền địa phương vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy, tố giác đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy vào trong trại giam. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tổ chức cho phạm nhân thăm gặp thân nhân để tranh thủ sự động viên, giáo dục từ gia đình giúp phạm nhân (nhất là các phạm nhân trước đây có thói quen sử dụng ma túy) yên tâm chấp hành án, không tìm cách mua bán ma túy trong trại giam.
Chú trọng thực hiện nắm chắc thông tin về tâm tư, nguyện vọng cũng như biểu hiện vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy của phạm nhân; chú ý đến việc thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như các hình thức xem xét giảm án để động viên phạm nhân có tinh thần trách nhiệm trong hoạt động phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm có liên quan đến ma túy...
Quan tâm, làm tốt công tác động viên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các trại giam nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc, quy trình, chế độ trong công tác; không để phạm nhân lợi dụng sơ hở mang, cất giấu ma túy, đồ vật cấm vào trong trại giam.
Tiếp tục xây dựng và triển khai đề án trang bị phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra giám sát, quản lý phạm nhân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm tội trong trại giam như: camera, máy ghi âm, que thử nước tiểu để phát hiện người sử dụng ma túy, va ly thử nhanh một số chất ma túy. Ngoài ra các trại giam cần nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện phạm nhân cất giấu ma túy trong người, đồ vật, trong buồng giam... hoặc người nhà phạm nhân giấu ma túy trong quà bánh, bưu phẩm khi thăm gặp, tiếp tế./.
Theo Tiếng chuông
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?