Tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Nam

24/04/2023 09:17 AM


Với quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách BHXH, BHYT nắm vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng, ngày càng chuyên nghiệp, sáng tạo, năng động và hiện đại, trong 02 ngày, 24-25/4/2023, tại Thành phố Cần Thơ, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông khu vực phía Nam. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc Hội nghị

Công tác truyền thông là một trong những “điểm sáng” góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, năm 2022 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với ngành BHXH Việt Nam: Những tàn dư của dịch Covid 19; một số thay đổi liên quan tới mức đóng BHXH tự nguyện, điều chỉnh chính sách khiến nhiều người dân không thuộc diện được cấp thẻ BHYT... trong khi đó, chỉ tiêu nhiệm vụ cao hơn nhiều so với năm 2021. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm, Phó Tổng Giám đốc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của BHXH các địa phương trong việc chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Ngành đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Công tác truyền thông là một trong những “điểm sáng” góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Kết quả là: Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,08% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Đặc biệt, số người tham gia BHYT đạt 92,04% dân số (91,074 triệu người), vinh dự là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn

Trong năm 2022 và quý I/2023, toàn quốc đã: Tổ chức khoảng 950 cuộc ra quân truyền thông về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; gần 204.700 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại cho trên 3 triệu lượt người tham gia; Đăng tải khoảng 39.700 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải khoảng 49.500 tin, bài trên hệ thống Cổng TTĐT của hệ thống các cơ quan BHXH; Truyền tải gần 988.000 lượt tin, bài, video trên mạng xã hội; Phối hợp thực hiện gần 1,3 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở;… Những con số trên cho thấy, toàn Ngành đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động truyền thông của Ngành được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các kênh truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, linh hoạt và ngày càng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và đặc thù của từng địa phương. Truyền thông hiện đại, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông số ngày càng được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh, hiệu quả, lan tỏa cao.

Truyền thông phải đi trước một bước

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định, nhiệm vụ của Ngành trong năm 2023 và những năm tiếp theo là hết sức to lớn và nhiều thách thức, vừa phải giữ vững kết quả đã đạt được, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh truyền thông. Truyền thông chính sách BHXH, BHYT phải tiếp tục có những đổi mới mang tính bước ngoặt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng cao; huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và từng cơ quan, đơn vị, người dân; góp phần lan tỏa tính nhân văn, ưu việt của các chính sách an sinh; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của mọi người dân và toàn xã hội.

Để xứng đáng là “chìa khóa”, đem giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đến với các tầng lớp nhân dân, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan và BHXH các địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vị trí, tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện trên môi trường Internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT từ sớm, từ xa.

Lãnh đạo, cán bộ làm công tác truyền thông tham dự Hội nghị

Công tác truyền thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. Đa dạng các hình thức truyền thông phù hợp với đặc thù vùng miền như: Sản xuất các sản phẩm truyền thông (file phát thanh, tờ rơi, tờ gấp,…) bằng tiếng dân tộc; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng có đạo. Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông từ tỉnh đến huyện (về số lượng, kinh nghiệm,…); tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông để không những thông thạo kỹ năng, phương pháp truyền thông mà còn phải có kỹ năng tổng hợp để thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông, vận động Nhân dân…

Tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông

Tại Hội nghị, lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông của BHXH các địa phương được cung cấp, trang bị, cập nhật những nội dung, kỹ năng cần thiết, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong truyền thông chính sách.

ThS. BS. Đào Thị Tuyết trình bày chuyên đề “Kỹ năng truyền thông trực tiếp về BHXH, BHYT”

Nhấn mạnh truyền thông là hoạt động vô cùng quan trọng để gia tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chuyên đề “Kỹ năng truyền thông trực tiếp về BHXH, BHYT” do ThS. BS. Đào Thị Tuyết trình bày nhấn mạnh, đặc trưng của truyền thông là tính hai chiều. Trong mô hình truyền thông, yếu tố người nhận (đối tượng) là quan trọng nhất và cần được phân tích kỹ trước khi thực hiện truyền thông; đồng thời, cần phối hợp nhiều hình thức, loại tài liệu truyền thông để đạt hiệu quả cao. Đối với người thực hiện truyền thông cần có kiến thức, kỹ năng và chìa khóa thành công của hoạt động truyền thông là lập kế hoạch chu đáo, cụ thể.

Chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp với báo chí”, ThS.Nguyễn Thị Hải Yến, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục nhấn mạnh, khi cung cấp thông tin, giao tiếp với các cơ quan thông tấn, báo chí cần chủ động cung cấp thông tin chính thống; chuẩn bị kỹ nội dung; có thái độ, tinh thần trao đổi tích cực, tôn trọng, chân thành, cởi mở… để đạt được hiệu quả cung cấp thông tin cao nhất.

 ThS.Nguyễn Thị Hải Yến, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục trình bày Chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp với báo chí”  

Đối với chuyên đề “Kỹ năng biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện”, giảng viên ThS. Lương Đông Sơn yêu cầu các học viên nên sử dụng các hình ảnh, đồ họa để việc truyền tải thông tin mang lại hiệu quả cao hơn do tính trực quan, bắt mắt, rõ ràng, dễ hiểu, nhất là các nội dung, quy định về chính sách BHXH, BHYT thường khá dài và khô khan. Khẳng định mạng xã hội ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ, giảng viên ThS. Lương Đông Sơn yêu cầu cán bộ làm truyền thông ngành BHXH cần trang bị những kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội Facebook để chính sách BHXH, BHYT được lan tỏa rộng rãi với người sử dụng mạng xã hội./.