• HỎI ĐÁP
Người gửi:
nhuhuynh08.30.12@gmail.com
Ngày gửi:
15/05/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi tham gia BHXH từ tháng 03/2017 đến nay. Hiện đang mang song thai tháng thứ 6. Cho tôi hỏi chế độ thai sản của tôi được hưởng gồm những gì và thủ tục như thế nào ạ? Chân thành cảm ơn!

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
26/03/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

- Điều 32 Luật BHXH quy định: Lao động nữ đang tham gia BHXH, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc khi lao động nữ mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

- Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

- Điều 38 Luật BHXH quy định: Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Nếu tại thời điểm sinh con Bạn có đủ điều kiện theo quy định nêu trên và Bạn sinh 02 con thì Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 07 tháng và 04 tháng lương cơ sở tại thời điểm sinh con.

  • Mức hưởng chế độ thai sản một tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật BHXH và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

- Điều 41 Luật BHXH quy định: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 đến 10 ngày (tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên) . Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, để tìm hiểu cụ thể hơn về chế độ thai sản, Bạn có thể nghiên cứu nội dung quy định tại Mục 2 Chương III Luật BHXH năm 2014.

* Về thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con được quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH cụ thể như sau:

+ Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

+ Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

+ Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

* Khoản 2 Điều 101 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú; bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.