• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Mi Anh
Ngày gửi:
28/04/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Em có ký hợp đồng lao động với công ty hiện tại từ ngày 6/5/2019 đến đến 6/5/2020 là kết thúc hợp đồng, công ty không đồng ý tiếp tục tái ký hợp đồng lao động với em. Em hiện đang mang thai dự sinh ngày 15/8/2020. Như vậy cho em hỏi, trường hợp của em có được nhận bảo hiểm thai sản hay không? Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của em là là 12 triệu thì thì mức nhận bảo hiểm xã hội của em nếu có là bao nhiêu.Đồng thời khi em kết thúc hợp đồng lao động 6/5/2020 thì em có được được nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp hay không, mức hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho em nếu có là bao nhiêu khi em đã đóng bảo hiểm xã hội liên tục được trên 36 tháng, mức lương đóng 12 tháng gần nhất là 12 triệu/tháng. Thủ tục để nhận được chế độ đối với trường hợp của em là như thế nào, em xin cảm ơn!

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
08/05/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

- Về chế độ thai sản:

+ Điều kiện hưởng: Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn, ký hợp đồng lao động với công ty, nếu công ty có  đóng BHXH bắt buộc cho Bạn từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2020 (12 tháng), Bạn dự kiến sinh con vào tháng 8/2020, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (được xác định từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020) Bạn có 09 tháng tham gia BHXH bắt buộc (từ tháng 8/2019 đến tháng 04/2020) thì Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con;

+ Mức hưởng chế độ thai sản một tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật BHXH và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

Do Bạn không nêu rõ tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể. Đề nghị Bạn đối chiếu với quy định nêu trên để tính mức hưởng đối với Bạn.

-Về trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động không bị hạn chế nhận 2 chế độ (thai sản và bảo hiểm thất nghiệp) cùng lúc, đồng thời đây là 2 quyền lợi khác nhau.

- Điều kiện hưởng TCTN:

Điều 49 Luật Việc làm quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ, HĐLV trên 12 tháng; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.

3. Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Bạn đối chiếu với các quy định nêu trên để thực hiện kịp thời chế độ và quyền lợi của mình.