• HỎI ĐÁP
Người gửi:
LÊ THỊ THANH VÂN
Ngày gửi:
13/04/2020
Lĩnh vực:
Câu hỏi khác
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi có người quen làm nuôi dạy trẻ ở trường mầm non Hoa Sen 37 ngõ 178 Tây Sơn hơn 10 năm rồi mà không được đóng BHXH. Người lao động này chưa từng được đóng BHXH ở đâu bởi chỉ làm việc mỗi trường mầm non Hoa Sen từ 2008 đến nay. Vậy nhà trường đó có vi phạm pháp luật về BHXH không? Tôi phải làm gì để các cơ quan vào cuộc xử lý trường mầm non này?

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam
Ngày trả lời:
16/04/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 1 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ.”. Và tại điểm b, c Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định “Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động” và “Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng” thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ BHXH, đóng, hưởng BHXH; đóng BHXH theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Để được trả lời nội dung Bạn quan tâm, đề nghị Bạn cung cấp thông tin cụ thể cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Phòng hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) trên địa bàn để xem xét về việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động và BHXH của nhà trường Bạn phản ánh.

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
15/04/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 2, các khoản 1, 2, 3 Điều 17, khoản 2 Điều 21, khoản 1 Điều 118, khoản 2 và khoản 3 điều 119 Luật BHXH năm 2014:

- Người lao động thỏa thuận giao kết và làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

- Trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH bắt buộc là vi phạm pháp luật thuộc hành vi bị nghiêm cấm.

- Người lao động có quyền (khiếu nại) đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

+ Khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hoặc cơ quan có người có hành vi vi phạm. Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;

+ Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Đề nghị ông/bà hướng dẫn người quen làm việc tại trường mầm non Hoa Sen đối chiếu các quy định nêu trên để biết và thực hiện cách quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.