• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nhung Đàm
Ngày gửi:
12/04/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi bị đóng trùng 6 tháng BHXH ở 2 công ty tại 2 tỉnh khác nhau, đóng cùng 1 mã sổ BHXH (công ty bị đóng trùng đã đóng hết tháng 03/2020 thì ngừng đóng). Hiện tại cơ quan BHXH nơi tôi làm việc báo về là nếu không truy thu số tiền BH đóng trùng tại công ty kia thì tôi không dược đóng tiếp BHXH từ tháng 4/2020 và sau này sẽ không được giải quyết các chế độ (hiện tại tôi đang bầu 3 tháng). Vây cho tôi hỏi: 1 - Cơ quan BHXH nơi tôi đang làm việc làm như vậy có đúng không? Trường hợp tôi không muốn thoái thu tiền bảo hiểm đóng trùng có được không? 2 - Nếu không được đóng BHXH tiếp tôi muốn chốt sổ dừng đóng tại công ty và chuyển sang đóng ở công ty khác liệu có được không? Và sang công ty mới nếu đóng được 6 tháng thì tôi sinh liệu có được hưởng chế độ thai sản không? (Tôi đóng BHXH đã được 8 năm 4 tháng rồi)

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
14/04/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

          1. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

          Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Công văn số 25/LĐTBXH-BHXH ngày 5/1/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoàn trả tiền đóng BHXH, BHTN; điểm 2.5 khoản 2 Điều 2 Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; điểm 67 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH của sử dụng lao động) không bao gồm tiền lãi.

Như vậy, trường hợp của Bà có thời gian tham gia BHXH bị trùng tại 02 đơn vị thì Bà liên hệ với nơi Công ty Bà đang làm việc lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH nơi Công ty Bà đang làm việc để được hoàn trả số tiền BHXH đã đóng trùng và xác nhận lại quá trình tham gia BHXH. Sau khi xác nhận lại quá trình tham gia BHXH, nếu Bà vẫn làm việc tại Công ty hiện tại thì Bà tiếp tục tham gia BHXH theo quy định của pháp luật. Trường hợp Bà chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty hiện tại và làm việc tại công ty khác thì Bà được tham gia BHXH bắt buộc từ thời điểm phát sinh hợp đồng lao động tại công ty mới.

2. Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014,  lao động nữ sinh con nếu đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Do đó, để được hưởng chế độ thai sản thì bà phải đóng BHXH từ đủ 06 trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.