• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Một bạn đọc
Ngày gửi:
21/11/2018
Lĩnh vực:
BH thất nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Em làm cho công ty tư nhân chuyên về bút máy, bút luyện chữ từ tháng 12/2015. Đến tháng 12/2016 công ty mới làm hồ sơ và ký hợp đồng chính thức với em. Em được thông báo là lương em bị giảm 20% để đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Do không thể tiếp tục làm tại đó. Nay em được nghỉ. Công ty có trả sổ BHXH để về địa phương em tiếp tục đóng tiếp. Xin hỏi, vậy BH thất nghiệp của em tính như thế nào và em có thể liên hệ tới đâu để được giải quyết?

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
21/11/2018
File đính kèm:
Câu trả lời:

BHXH Tp.Hồ Chí Minh trả lời:

Điều 49 Luật Việc làm quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định:
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Nếu bạn đủ điều kiện như quy định trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Nếu bạn hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh thì có thể liên hệ các địa điểm sau để nộp hồ sơ: 

1. Trung tâm DVVL thành phố: 106/14D Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh.
2. Trường Cao Đẳng Nghề Thủ Thiêm: 145 Lê Văn Thịnh, Phường Bình Trưng Đông, Quận 2.

3. Trung tâm dạy nghề Quận 4: 249 Tôn Đản, Phường 15, Quận 4.

4. Trung tâm dạy nghề quận 6: 743/34 Hồng Bàng, Phường 6, Quận.6.

5. Trường Trung cấp Bách Khoa: số 802 – 804 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Q.12.

6. Sân tập lái xe Trung An: Đường 458, Ấp Thạnh An, Xã Trung An, Huyện Củ Chi.

7. Trung tâm dạy nghề Tân Bình: 456 Trường Chinh, P.13, Quận Tân Bình.

8. Chi nhánh nhận hồ sơ BH thất nghiệp quận Thủ Đức: 23 Đường Bác Ái, phướng Bình Thọ, Quận Thủ Đức.

Theo Cổng TTĐT BHXH Tp.HCM