• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Thị Mỹ Linh
Ngày gửi:
16/03/2021
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Em ốm nghén nằm bệnh viện 4 ngày khi xuất viện có giấy ra viện đầy đủ thời gian nhập và xuất viện nhưng công ty không nhận nghỉ hưởng bảo hiểm tại sao ạ

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
26/03/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây: - Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy. - Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. - Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, gồm: Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện; Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. Mặt khác, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 như sau: - Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; - Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc do ốm đau mà có giấy ra viện do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp thì được giải quyết hưởng chế độ ốm đau (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TTBLĐTBXH nêu trên). Trong trường hợp người lao động đã nghỉ hết số ngày được thanh toán chế độ ốm đau trong một năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 thì sẽ không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho thời gian nhiều hơn. BHXH Việt Nam cung cấp các thông tin liên quan đến việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động để Bạn đọc tham khảo.