• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Ngọc Hà
Ngày gửi:
21/03/2024
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Anh chị cho em hỏi. Em bắt đầu đóng BHXH từ t5/2019 đến t9/2021; t10/2021 đến t7/2022 e nghỉ việc, tiếp đó e đi lm và đóng tiếp từ t8/2022 đến t1/2024. Từ t2/2024 đến giờ e nghỉ việc và chưa đóng tiếp BH. Em muốn hỏi nếu em ra xã/huyện nơi em ở để đóng tiếp BHXH thì sau này có được hưởng chế độ thai sản không? Hay bắt buộc phải thông qua đơn vị khác như công ty, trường học...thì mới được hưởng ạ. Em cảm ơn.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
29/03/2024
File đính kèm:
Câu trả lời:

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Điều 4 Luật BHXH hiện hành quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ: Hưu trí; tử tuất. (Chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với người tham gia BHXH bắt buộc).

Do đó, sau khi nghỉ việc tại đơn vị bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện để được cộng dồn thời gian tham gia BHXH làm căn cứ giải quyết chế độ (hưu trí và tử tuất) sau này.

Ngoài ra, về điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014:

“ Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

Đối chiếu quy định nêu trên, lao động nữ sinh con có thời gian tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin chính sách hiện hành để bạn được biết.