• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bùi Thị Hạnh
Ngày gửi:
18/01/2021
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Tôi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Phòng khám 107 Tôn Đức Thắng, nay mình muốn sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cho mình hỏi có được hưởng BHYT đúng tuyến không? và thủ tục như thế nào? Đồng thời cho mình hỏi về việc chế độ khám thai định kỳ như thế nào với ạ? Mình cảm ơn

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
29/01/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

  1. Về chi phí KCB

Tại Khoản 6, Điều 22 Luật BHYT năm 2014 quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”.

Tại mục 2, công văn số 4055/BHXH-CSYT ngày 23/12/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện Khoản 6, Điều 22 Luật BHYT quy định: “Người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh theo khoản 6 Điều 22 Luật BHYT là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm...”

Như vậy, từ 01/01/2021 trường hợp của bạn đăng ký KCB ban đầu tại phòng khám 107 Tôn Đức Thắng là tuyến huyện, nếu bạn nhập viện nội trú để sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là Bệnh viện tuyến tỉnh thì được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, nhưng không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của bạn trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm...”

  1. Về chế độ khám thai định kỳ

Điều 32, Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

“1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.

Để được hưởng chế độ thai sản mỗi lần đi khám thai, bạn cần cung cấp cho công ty Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc đi khám thai của bạn.