• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Hồ Mỹ Phụng
Ngày gửi:
28/08/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Xin chào BHXH Tôi có 2 vấn đề mong được BHXH giải đáp Tôi tham gia BHXH từ năm 2016 Tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020 tôi nghỉ việc đổi cơ quan nên không đóng BH 3 tháng này. Tháng 7/2020 tôi đóng BH lại. 1. Nay tôi muốn sinh thêm đứa thứ 2, nhưng nhân sự cơ quan tôi đọc luật "đóng 12 tháng trước khi sinh liên tục trong vòng 6 tháng mới được trợ cấp" thì hiểu rằng khi tôi vào cơ quan mới phải đóng 18 tháng, hết 18 tháng khi ấy có thai thì mới được hưởng trợ cấp. Vậy là đúng hay sai ạ? Vả lại nhân sự còn nói thêm khoản thời gian ngắt quãng (tháng 4 đến tháng 6/2020) sẽ không được tính là liên tục. 2. Trong trường hợp nếu nhân sự vẫn giữ khư khư ý kiến của mình thì tôi có thể tự làm hồ sơ sau khi sinh để gửi BH nhận trợ cấp được không? Nếu được thì khi ấy tôi phải nhờ công ty chốt BH có đúng không ạ? Mong nhận được phản hồi từ BHXH Xin cám ơn.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
01/10/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Mức hưởng chế độ thai sản một tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật BHXH và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu tại thời điểm Bạn sinh con Bạn đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên (không cần phải đóng liên tục) trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (riêng trường hợp khi mang thai phải dưỡng thai và có chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền mà đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên chỉ cần đóng từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì Bạn được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Khoản 1 Điều 21 Luật BHXH quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được hưởng chế độ BHXH;

Điều 102 Luật BHXH, Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định:    

- Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan BHXH.

- Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì người lao động tự nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.

Trường hợp của Bạn nếu tại thời điểm sinh con Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà chưa chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì Bạn nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động, yêu cầu đơn vị thực hiện trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với Bạn. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm của mình thì Bạn có thể thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

Trường hợp Bạn thôi việc trước thời điểm sinh con thì Bạn nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú để được giải quyết chế độ thai sản.