• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Phạm Thị Hiên
Ngày gửi:
24/07/2020
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Xin cho em hỏi, em tham gia Bh cũng được 10 năm, em là kế toán của 1 công ty xây dựng,ngày 9/7/2020 vừa qua em bị mổ cấp cứu tại bệnh viện đa khoa, bác sỹ cho biết là em bị chửa ngoài tử cung vỡ, và phải làm phẫu thuật gấp, trên phiếu mổ của em bác sỹ ghi; cắt khối chửa, khâu cầm máu, lau ổ bụng, còn giấy ra viện ghi vào viện lúc vào viện, và lúc ra viện , phương pháp điều trị: phẫu thuật chửa ngoài tử cung, kháng sinh , giảm đau, trọ sức; ghi chú: nghỉ ngơi theo chế độ, bồi dưỡng sức khỏe. khi em làm chế độ theo chế độ ốm đau dài ngày (hướng dẫn tại Công văn 2017/BHXH-CSXH năm 2014 thì mang thai ngoài tử cung thực hiện theo chế độ ốm đau). Đồng thời căn cứ theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT thì thai ngoài tử cung là bệnh lý thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.Thời gian hưởng chế độ ốm đau do điều trị bệnh dài ngày được quy định tại Khoản 2, Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau ...... 2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau: a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”). Em đã gửi hồ sơ điện tử lên cơ quan BHXH huyện thì được nhân viên trả lời rằng bệnh viện ghi chú cho chị nghỉ theo chế độ thì em chỉ làm chế độ cho chị theo giấy ra viện( tức là từ ngày 08/07/2020 đến ngày ra viện 15/07/2020. Theo như nhân viên bảo hiểm huyện giải thích thì em chỉ được nghỉ từ khi vào viện đến khi xuất viện là phải đi làm lại bình thường, Nhưng em mổ mất rất nhiều máu, đến nay cũng được nửa tháng vết mổ vẫn đau, sức khỏe còn rất yếu, chưa phục hồi em chưa thể đi làm được. Về phần công ty, cũng theo chế độ BH đó mà cho em nghỉ việc cũng từng đó ngày. Em đã xin công ty cho nghỉ thêm nhưng nếu nghỉ lâu tiền BHXH của tháng đó em vẫn phải đóng mà không được công ty hỗ trợ, Như thế người lao động tụi em không phải rất thiệt thòi hay sao, ko đi làm được không có lương, BHXH vẫn phải đóng,chế độ BH không được hưởng. trong trường hợp này em phải làm thế nào? Em đề nghị BHXH Việt Nam cho em 1 câu trả lời rõ ràng hơn. Em xin cám ơn!

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
25/08/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Điều 33 Luật BHXH năm 2014 quy định khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa là 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh, lao động thuộc lĩnh vực y tế xác định trường hợp thai ngoài tử cung là thai bệnh lý; Tại Phụ lục 3 quy định về Giấy ra viện hướng dẫn ghi đối với trường hợp người bệnh phải đình chỉ thai nghén vì lý do bệnh lý thì bác sĩ phải ghi rõ tuần tuổi của thai, chẩn đoán theo hướng dẫn chuyên môn đồng thời ghi cụm từ “(phá thai bệnh lý)” ngay sau phần chẩn đoán. Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sức khỏe sau khi điều trị nội trú: Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện.

Nội dung thứ nhất: Trường hợp của Bạn, thai ngoài tử cung bị vỡ phải phẫu thuật được giải quyết hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH. Bạn đề nghị với đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản (phá thai bệnh lý) gửi cơ quan BHXH để xem xét giải quyết chế độ thai sản đối với Bạn.

Nội dung thứ hai: Theo thông tin Bạn cung cấp, trên Giấy ra viện tại phần “Ghi chú”, bác sỹ có chỉ định nghỉ ngoại trú: “Nghỉ ngơi theo chế độ”; căn cứ chỉ định nghỉ ngoại trú trên giấy ra viện và số ngày Bạn thực sự nghỉ việc theo đề nghị của đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với Bạn nhưng không vượt quá số ngày theo quy định ứng với tuần tuổi thai theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH. Tuy nhiên, Bạn không nêu rõ trên Giấy ra viện của Bạn có ghi tuần tuổi thai hay không, nếu trên Giấy ra viện không thể hiện tuần tuổi thai, để đảm bảo quyền lợi đối với người lao động cơ quan BHXH vẫn giải quyết hưởng chế độ thai sản căn cứ trên đề nghị của đơn vị và chỉ định của cơ sở KCB.

Nội dung thứ ba: Tại nội dung câu hỏi của Bạn có nêu sức khỏe của Bạn rất yếu nhưng Công ty chỉ cho Bạn nghỉ việc theo số ngày Bạn điều trị nội trú tại cơ sở KCB, Bạn có thể kiến nghị lên Công đoàn cơ sở để được đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH.

Nội dung thứ tư: Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH quy định “thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội”. Do đó, nếu trong tháng Bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên thì Bạn và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó.