• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nhân
Ngày gửi:
16/03/2020
Lĩnh vực:
BH thất nghiệp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

heo chỉ thị mới của Chính phủ, đơn vị được xin hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Đơn vị em là khách sạn,gửi công văn xin không đóng từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, em muốn hỏi rõ: - Không đóng BH thì bảo hiểm y tế của người lao động cũng k sử dụng được. vậy người lao động có được tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện không? - Trong thời gian xin hoãn nhưng nhân viên xin nghỉ việc luôn. thì nhân viên có được hưởng thất nghiệp không? và thời điểm chốt sổ là tháng mấy? Đơn vị chỉ đóng tới tháng 2/2020. Em cảm ơn

Trả lời bởi:
BHXH Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
19/03/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

1. Theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 thì các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 nếu đủ điều kiện, nhưng vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và quỹ BHTN; sau khi hết thời gian tạm dừng đóng, đơn vị và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trước đó.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Do đó, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất người lao động không thuộc đối tượng đóng BHXH tự nguyện.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, trong thời gian tạm dừng đóng mà có người lao động thôi việc, nghỉ việc, chấm dứt HĐLĐ thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng (nếu có) theo quy định cho người lao động đó đến thời điểm người lao động thôi việc, nghỉ việc, chấm dứt HĐLĐ làm căn cứ giải quyết kịp thời chế độ BHTN cho người lao động.