Triển khai hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm

25/08/2020 09:56 AM


Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020, trong đó, đề ra các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm, nhất là việc triển khai kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020, ngày 3/8/2020. Ảnh: TTXVN

Xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan

Trước bối cảnh tình hình phức tạp, khó dự đoán, trong thời gian tới, đòi hỏi từng bộ, ngành, địa phương phải chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức nhằm thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra: Vừa quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chú trọng thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Về phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình, bình tĩnh, chủ động ứng phó, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trước hết tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Thành phố Đà Nẵng, không để dịch bệnh lây lan.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp chặt chẽ bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.

Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tái chế vật tư, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhất là đối với khẩu trang, găng tay y tế; vi phạm quy định về cách ly trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vận động toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người mắc COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh thông tin trên mạng xã hội; xử lý nghiêm khắc các trường hợp thông tin sai sự thật, tin độc, hại; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho ngành báo chí trong bối cảnh dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, giao dịch điện tử để theo kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển và góp phần giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh.

Hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch

 Về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào tình hình và mức ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sau khi Thủ tướng ban hành. Đồng thời, theo dõi sát tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, tập trung đàm phán trực tuyến, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để khơi thông và thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tập trung triển khai hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước; phối hợp với Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) làm tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước; có giải pháp đồng bộ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tập trung hoàn thiện quy hoạch điện VIII, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực.

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa nêu tại Khoản 13 Mục I Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014. Trong thời gian tạm thời chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết 63/NQ-CP, cơ sở thực hiện xã hội hóa không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp…

Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm, nhất là việc triển khai kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và đề xuất, kiến nghị phù hợp, kịp thời các biện pháp trong thời gian tới. Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, nguồn ảnh: TTXVN

Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai.

Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chủ động đổi mới trong xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở, không để phát sinh điểm nóng và khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch, làm cơ sở tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng nắm chắc tình hình, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hoàn thành tích hợp các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra; khẩn trương ban hành hướng dẫn về mẫu kết quả thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi trong tháng 9/2020 để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

Các bộ, cơ quan tập trung tái cấu trúc quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 và 30% dịch vụ công trực tuyến đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các bộ, cơ quan được giao báo cáo chỉ tiêu kinh tế-xã hội tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các chỉ tiêu, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thông tin báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình đầu tư công về xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 thay cho nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Bộ Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo phân công.

PV