“Cần gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển an sinh xã hội”
29/11/2017 07:19 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội thảo quốc tế về “Cải cách chính sách BHXH - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” vừa được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức sáng nay (29/11) tại Hà Nội là một trong những hoạt động nhằm hoàn thiện Đề án cải cách chính sách BHXH. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công nhấn mạnh: “Cải cách chính sách BHXH cần gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển an sinh xã hội”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, và đại diện 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Cấp thiết phải cải cách chính sách BH hưu trí, tử tuất
Phát biểu khai mạc Hội thảo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hệ thống chính sách BHXH nước ta cho đến nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Về chính sách đã bao gồm gần như đầy đủ các chính sách theo thông lệ quốc tế như: Chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BH thất nghiệp. Về chế độ đã bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện: Chính sách BHXH bắt buộc được triển khai với người có quan hệ lao động; chính sách BHXH tự nguyện (với hai chế độ hưu trí và tử tuất) được triển khai với đối tượng không có quan hệ lao động; khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức đều có thể tham gia BHXH. Về quy mô tham gia: Tính đến hết tháng 10 năm 2017, đã có hơn 14,6 triệu người (30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, 27% lực lượng lao động trong và ngoài độ tuổi) tham gia BHXH; 10,31 triệu người (chiếm 21,5% số lao động trong độ tuổi) tham gia BH thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, "để đạt được mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ cần những giải pháp quyết liệt hơn, nhằm tăng cường tính thực thi luật pháp về BHXH".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, bên cạnh những mặt đã đạt được, chính sách BHXH thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế như: Diện bao phủ BHXH còn thấp. Đặc biệt trong đó, sau 9 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ có hơn 200.000 người người tham gia. Song song đó, do chính sách BHXH được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực Nhà nước, do ngân sách Nhà nước đảm bảo, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí, tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.
Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng. “Hiện nay, tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, đóng nhiều - hưởng nhiều, đóng ít - hưởng ít. Chính sách của chúng ta thiết kế không sai nhưng cũng cần chú trọng tới nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp, để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động - tạo niềm tin vào hệ thống BHXH, duy trì sự tham gia và bảo lưu trong hệ thống BHXH, tránh việc hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, chính sách BHXH hiện chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong các chính sách thành phần để phát huy vai trò của từng chính sách nhằm đạt được mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ. Đơn cử cho vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Với chính sách BH thất nghiệp, hiện chúng ta đang dừng ở việc chi trả trợ cấp thất nghiệp chứ chưa tiến hành các giải pháp hỗ trợ để nhanh chóng đưa NLĐ quay trở lại làm việc. Nếu thực hiện được mục tiêu đưa NLĐ quay trở lại làm việc, duy trì được việc làm thì số lượng người rời khỏi hệ thống BHXH sẽ giảm, số tiếp tục tham gia BHXH sẽ tăng và độ bao phủ của chính sách BHXH sẽ lớn”.
“Mặc dù Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân, nhưng trên thực tế việc tuân thủ luật pháp về BHXH còn chưa cao, trình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh thiết thân của hàng ngàn NLĐ. Để đạt được mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ cần những giải pháp quyết liệt hơn, nhằm tăng cường tính thực thi luật pháp về BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ về những vấn đề dẫn tới khả năng mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Trường Giang nhận định, tình trạng nghỉ hưu sớm trong điều kiện tốc độ già hóa dân số của nước ta ngày càng tăng, đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho quỹ BHXH.
Làm rõ về nhận định này, ông Phạm Trường Giang cho biết, hiện tuổi hưu trung bình của nước ta là 54,1 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi (so với quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (so với quy định là 55 tuổi). Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu (kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu) hiện nay là 78,8 tuổi. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu từ quỹ BHXH trung bình của mỗi người vào khoảng 24,7 năm. “Tuy nhiên, tiền đóng BHXH trong 28 năm của một NLĐ chỉ đủ trả lương hưu cho người này trong vòng 8 năm. Mà về cơ bản, nguyên tắc định phí BHXH phải đảm bảo: NLĐ đóng BHXH 40 năm để được hưởng lương hưu trong 20 năm”, ông Phạm Trường Giang nói.
Bên cạnh đó, đặt trong sự so sánh với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia..., thì hiện nay tỷ lệ giữa tổng mức hưởng trên tổng mức đóng BHXH của Việt Nam là quá cao: Tổng mức đóng khoảng 22% nhưng hưởng tới tối đa là 75%. Theo đó, ông Phạm Trường Giang cũng đưa ra khuyến nghị: “Để cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta phải cải cách chính sách BHXH theo hướng giảm tỷ lệ hưởng hoặc tăng mức đóng góp, kéo dài thời gian lao động”.
Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng
Đồng quan điểm trước những lo ngại của Bộ LĐ-TB&XH về khả năng mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Điều Bá Được đưa ra một số đề xuất cải cách chính sách BHXH như: Mở rộng diện bao phủ BHXH theo hướng người sử dụng lao động trả tiền lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật căn cứ trên việc hạch toán vào giá thành sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ; NLĐ đóng BHXH bắt buộc trên tổng thu nhập; NLĐ có tuổi từ đủ 15 trở lên có thu nhập từ quan hệ lao động phải tham gia BHXH bắt buộc.
Ông Điều Bá Được cũng nhấn mạnh, việc thiết kế chính sách BHXH tiến tới thực hiện BHXH đa tầng là cần thiết. Cụ thể gồm: Tầng phổ quát - Nhà nước đảm bảo lương hưu xã hội từ nguồn ngân sách; Tầng BHXH bắt buộc - Vận hành theo quyên tắc đóng, hưởng có sự chia sẻ và do Nhà nước quản lý thực hiện như hiện nay, nhưng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; Tầng còn lại - gồm BHXH bổ sung và BHXH tự nguyện, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Song song đó, chúng ta cần thiết kế mức đóng, hưởng phù hợp. Theo đó, cần quy định lại căn cứ đóng BHXH (mức đóng BHXH tối thiểu và mức đóng tối đa); thực hiện đúng nguyên tắc đóng, hưởng công bằng, có chia sẻ trong chế độ hưu trí; hạn chế nghỉ hưu trước tuổi, nâng tuổi nghỉ hưu đảm bảo có lộ trình phù hợp; điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH và lương hưu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ, tập trung vào nhóm có mức lương hưu thấp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; tập trung hiện đại hóa quản lý BHXH với những giải pháp chủ động trong cải cách bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong quản lý chính sách BHXH và nâng cao chất lượng phục vụ trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH cũng là những biện pháp chủ yếu ông Điều Bá Được khuyến nghị áp dụng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý BHXH trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm từ phía đơn vị nghiên cứu tác động của chính sách, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân Giang Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm rõ vấn đề già hóa dân số hiện đang là thành công của Việt Nam (tuổi thọ của người dân tăng), vấn đề ở đây là chúng ta phải làm sao thiết kế chính sách để đảm bảo song hành cùng tốc độ già hóa dân số”.
Mặt khác, hiện các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BH thất nghiệp hay quỹ BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp của nước ta đang đảm bảo cân đối tốt và có sự tích lũy tăng trưởng, chỉ riêng quỹ hưu trí, tử tuất là có nguy cơ mất cân đối. “Bất cập dẫn đến nguy cơ mất cân đối này là do sự mất cân đối giữa đóng và hưởng. Không nước nào áp dụng mức đóng 22% nhưng lại hưởng đến 75% như nước ta”, ông Giang Thanh Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm cho rằng cần phải cải cách chính sách BHXH, ông Giang Thanh Long đưa ra một số khuyến nghị như: Phải triển khai từng bước, và xây dựng được hệ thống bảo hiểm đa tầng, lấy mảng nọ bù mảng kia; phương án tăng tuổi hưu cũng là một trong những giải pháp cần quan tâm; song song đó, để việc đầu tư quỹ BHXH hiệu quả, cần thành lập nhóm chuyên gia sâu thường xuyên có những phân tích, và đưa ra dự báo về tình hình tài chính của quỹ BHXH nói chung, và quỹ hưu trí, tử tuất nói riêng để có những biện pháp bảo tồn, và tăng trưởng quỹ theo đúng quỹ đạo.
Ông Nuno Meria Simoes da Cunha, Chuyên gia an sinh xã hội của ILO khu vực Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương khuyến nghị, việc cải cách phải tránh những thay đổi quá nhanh đối với chính sách BHXH hiện tại.
Ông Nuno Meria Simoes da Cunha, Chuyên gia an sinh xã hội của ILO khu vực Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương và ông William Price, Chuyên gia cấp cao về tài chính của Ngân hàng Thế giới cùng quan điểm khi đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam trong việc cải cách chính sách BHXH: Cải cách cần tránh những thay đổi quá nhanh đối với chính sách BHXH hiện tại, cần cải cách từng bước; mọi giải pháp cải cách phải có nghiên cứu sâu, tính tới biên độ tác động, có lộ trình thực hiện thí điểm; nên tăng tuổi nghỉ hưu cân bằng giữa nam và nữ; phải xây dựng được một hệ thống BHXH đa tầng, và phát huy được sự tham gia tối đa với chính sách BHXH tự nguyện;…
Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, thách thức với chính sách BHXH tại Việt Nam là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến “nhóm ở giữa bị bỏ sót” - nhóm người không được tiếp cận cả với BHXH và trợ giúp xã hội. Và theo ông Chang Hee Lee, để mở rộng bao phủ tới nhóm NLĐ trong các DN nhỏ và vừa, có hợp đồng ngắn hạn và những người làm việc không trên cơ sở quan hệ lao động đòi hỏi phải có sự đột phá về cách làm. Điều quan trọng là mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức để chính thức hóa và cải thiện an sinh xã hội cho họ.
“Thành công của việc mở rộng độ bao phủ BHYT của các bạn cho thấy, nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của BHXH là có thể thực hiện được”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang Hee Lee nhấn mạnh.
ILO khuyến nghị Việt Nam mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có đóng góp và chương trình có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân. “Thành công của việc mở rộng độ bao phủ BHYT của các bạn cho thấy, nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của BHXH là có thể thực hiện được”, ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.
Từ các ý kiến chia sẻ, khuyến nghị của các chuyên qua, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước tại Hội thảo đều thống nhất rằng: Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và chính sách BHXH được xem là công cụ hữu hiệu để cân bằng tình trạng già hóa dân số này. Theo thống kê, hiện nay số người già có lương hưu của Việt Nam chỉ chiếm 15% trên tổng số người hết độ tuổi lao động. Cũng theo số liệu được các Tổ chức quốc tế cung cấp thì chỉ có 5% dân số có tài sản tích lũy khi về già, còn lại 80% dân số làm chỉ đủ sống và nuôi con.
Ông William Price, Chuyên gia cấp cao về tài chính của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: Việt Nam nên tăng tuổi nghỉ hưu cân bằng giữa nam và nữ trong quá trình cải cách chính sách BHXH.
Tại Hội thảo, các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu đều đồng nhất cho rằng, cải cách chính sách BHXH phải: Xây dựng chính sách theo hướng đa tầng; điều chỉnh nguyên tắc đóng - hưởng cho phù hợp thực tiễn và đảm bảo có sự chia sẻ; tập trung mở rộng đối tượng tham gia; tăng tính bền vững cho quỹ BHXH bằng việc triển khai đầu tư quỹ có hiệu quả, tăng cường tính hiệu quả trong công tác vận hành bộ máy quản lý BHXH; nâng tuổi nghỉ hưu, giảm mức hưởng theo lộ trình;…
Cải cách chính sách BHXH song hành với cải cách bộ máy
“Lộ trình cải cách chính sách BHXH phải gắn với khả năng phát triển của nền kinh tế và ngân sách Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công khẳng định, trong thời điểm Trung ương đang nghiên cứu cải cách mạnh mẽ chính sách BHXH trong công chức, viên chức, NLĐ và lực lượng vũ trang, Hội thảo là một diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá về những kết quả đạt được, đặc biệt là trong việc nhận định những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; nghiên cứu các bài học kinh nghiệm quốc tế; trên cơ sở đó đề ra định hướng, giải pháp cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Không có nước nào trên thế giới mà người tham gia BHXH đóng ít lại hưởng nhiều như ở Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam lại có đặc thù khác các nước khác khi vẫn có những đối tượng được Nhà nước đóng BHXH, đơn cử như 1,3 triệu người nghỉ hưu trước năm 1995 và rất đông các đối tượng chính sách khác. Muốn cải cách chính sách BHXH thành công, chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, và có sự đồng lòng của toàn xã hội”.
“Lộ trình cải cách chính sách BHXH phải gắn với khả năng phát triển của nền kinh tế và ngân sách Nhà nước. Cần xem xét ưu tiên đối tượng nào trước để mở rộng diện bao phủ. Thiết kế chính sách đóng - hưởng điều chỉnh hợp lý. Đây là bài học Việt Nam cần lưu ý. Bởi đã là bảo hiểm thì phải đương nhiên phải theo nguyên tắc đóng - hưởng nhưng bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo tính chia sẻ giữa các chính sách", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặc biệt nhấn mạnh sự gắn kết giữa việc phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển của an sinh xã hội, việc phát triển BHXH cần được lồng ghép trong các chương trình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương. Muốn mở rộng diện bao phủ thì phải tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường lao động, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho NLĐ; đây là cơ sở để NLĐ có điều kiện tham gia vào hệ thống BHXH đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho NLĐ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, cải cách chính sách BHXH phải kế thừa nền tảng cơ bản của chính sách BHXH đã xây dựng được, từ đó cải cách toàn diện nhưng phải đảm bảo các giải pháp không được "gây sốc" như một số thay đổi gần đây đang tạo phản ứng ngược với xã hội, và biện pháp cần linh hoạt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định cần xây dựng chế độ bảo hiểm theo hướng đa tầng, có tầng phổ quát là Nhà nước hỗ trợ toàn phần từ ngân sách Nhà nước; tầng BHXH bắt buộc có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của người sử dụng lao động và NLĐ; tầng BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước và phát triển BHXH bổ sung.
Việc cải cách chính sách BHXH song hành với cải cách bộ máy thực hiện chính sách BHXH, nâng cao chất lượng quản lý BHXH, chất lượng dịch vụ công trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH nhằm tiết kiệm chi phí quản lý cũng là yếu tố quan trọng mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xem xét đưa vào Đề án cải cách chính sách BHXH lần này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quỹ BHXH là quỹ tài chính quốc gia lớn thứ hai chỉ sau quỹ ngân sách Nhà nước và có sự bảo trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách chính sách BHXH phải tính tới các biện pháp bảo tồn và tăng trưởng quỹ BHXH một cách hiệu quả hơn.
Tầm nhìn cải cách BHXH phải là 30-40 năm vì độ trễ chính sách dài nhưng phải hành động sớm, triển khai quyết liệt, khẩn trương, không trì hoãn. Càng cải cách sớm thì càng có dư địa để cải cách. Bài học của Italy là trong 10 năm thập niên 90 của thế kỷ trước đã tăng 4 tuổi nghỉ hưu đã gây cú sốc trong thị trường lao động.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính để cơ quan thuế thực hiện chức năng thu BHXH, tại Hội thảo, một số đại biểu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về những khó khăn sẽ gặp phải nếu đề xuất này được đưa vào triển khai. Chia sẻ quan điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan thuế chỉ nên kết nối, chia sẻ dữ liệu thu thuế với cơ quan BHXH, chứ không thực hiện thu BHXH vì tính chất và chính sách hoạt động của các cơ quan là khác nhau.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, khi kết hợp được hai bảng lương của DN (một bảng lương để tính thu nhập của NLĐ, một bảng lương để tính mức đóng BHXH) thì sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi của NLĐ, bảo đảm phát triển quỹ BHXH và còn chống được các hoạt động chuyển giá của DN./.
BAT
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?