Năm 2020: Đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
16/11/2017 10:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chậm nhất vào ngày 01/01/2020 phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dù đây là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương nhưng việc đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu phải được đặt lên hàng đầu.
Đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân tại 16 địa phương
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tổ chức ngày 14/11, Bộ công an cho biết, sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh; kết nối Trung tâm Căn cước công dân quốc gia và Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông qua công tác cấp Căn cước công dân, đơn vị chức năng đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân tại 16 địa phương và trên 700.000 mã số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh. Ngoài ra, triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại Tp.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Tp.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) và triển khai phần mềm quản lý cư trú tại các đơn vị cho Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế; triển khai thí điểm hệ thống quản lý dân cư tại Tp.Hải Phòng; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức triển khai dự án.
Với việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người sẽ được cấp một số định danh cá nhân từ khi sinh ra; đến tuổi quy định phải được cấp Căn cước công dân. Đồng thời với cấp mới Căn cước công dân, sẽ tiến tới cấp đổi CMND thành Căn cước công dân để phù hợp với số định danh cá nhân. 12 số trên thẻ Căn cước công dân chính là số định danh của mỗi con người. “Đây là điều hết sức quan trọng, cốt lõi. Trên cơ sở có số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xây dựng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hộ khẩu, hộ tịch và làm cơ sở dùng chung cho tất cả các bộ ngành, địa phương trong giải quyết việc của người dân theo hướng đơn giản hoá, thuận tiện. Đó cũng chính là niềm mong đợi, kỳ vọng của nhân dân”- Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh và cho biết, theo quy định, chậm nhất tới ngày 01/01/2020 phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc. Đây là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn khu dân cư với nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng ngân sách còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Sổ hộ khẩu có thể bỏ nhưng công tác quản lý dân cư vẫn diễn ra bình thường
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, việc xây dựng một hệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu nền tảng trong hệ thống các cơ sở dữ liệu của quốc gia, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
"Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giai đoạn hiện nay là hết sức cấp thiết, là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an và các địa phương trong năm 2017-2018 và các năm tiếp theo”- Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu đang rất được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, Thượng tá Trần Hồng Phú- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát) khẳng định: Việc cấp hộ khẩu cho người dân vẫn diễn ra bình thường. Khi Bộ Công an xây dựng xong Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các ngành làm xong cơ sở dữ liệu chuyên ngành của mình thì kết nối với nhau, người dân sử dụng mã số công dân trên thẻ căn cước thì khi đó bản thân cơ quan Nhà nước không cần, công dân cũng không cần quyển sổ hộ khẩu nữa. Tức là quyển sổ hộ khẩu giấy có thể bỏ, nhưng công tác quản lý dân cư và cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn làm bình thường. Ông Phú cho biết, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành bình thường như cũ. Các bộ ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục./.
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?