Chính sách BHYT học sinh – sinh viên: Chiến lược chăm lo, phát triển nguồn lực con người
05/09/2017 04:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hơn 20 năm thực hiện, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, khẳng định xu thế tất yếu, là hướng đi đúng, cơ bản và lâu dài để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Là nhóm đối tượng được triển khai thực hiện từ những năm đầu, chính sách BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) ngày càng khẳng định là một định hướng quan trọng, đúng đắn, có tính chiến lược trong chăm lo, phát triển nguồn lực con người.
Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa (ngoài cùng, bên phải) tham gia giao lưu trong Chương trình “BHYT toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.
Chính sách nhất quán
Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/07/2009). Luật BHYT điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHYT, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này. Luật BHYT đã xác định rõ 05 nguyên tắc của BHYT là: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính theo quy định của Chính phủ; mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do Quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả; Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu chi và được Nhà nước bảo hộ. Đối với nhóm đối tượng HSSV, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 01/01/2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.
Sau 04 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, ngày 13/06/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; Khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; Mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; Mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo lộ trình; Sử dụng kết dư Quỹ BHYT để nâng cao chất lượng KCB; quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (06 tháng đầu năm đã đạt 78,2%, khoảng 72 triệu người); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV – thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.
Ảnh minh họa.
Bài toán khó
Trên toàn địa bàn thành phố, có 1.774.245 HSSV đang theo học tại 1.736 trường học. Thống kê chi tiết số thực hiện từ 30 quận, huyện, thị xã; các trường học được chia thành 06 nhóm: nhóm tiểu học là 712 trường; trung học cơ sở là 621 trường; trung học phổ thông là 207 trường; trung cấp chuyên nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc Sở là 85 trường; đại học, cao đẳng, trung học là 137 trường; tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục là 06 trường. Tương ứng với đó là 648.829 học sinh tiểu học; 380.622 học sinh trung học cơ sở; 200.195 học sinh trung học phổ thông; 21.322 học sinh tại các trường trung cấp chuyên nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc Sở; 518.359 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng.
Qua đó, có thể nói Hà Nội là địa bàn triển khai công tác thu BHYT HSSV với quy mô lớn nhất trên cả nước. Điều này cho thấy quy mô, tính chất phức tạp của công tác thu BHYT học sinh, sinh trên địa bàn TP. Hà Nội. Số lượng trường học lớn, quy mô HSSV đông – là một tiềm năng lớn cho công tác phát triển diện bao phủ, nhưng để phát huy tiềm năng này lại không hề đơn giản, nhất là với sự chênh lệch về kinh tế xã hội của các hộ gia đình tại 30 quận, huyện, thị xã, và ý thức tự giác tham gia BHYT của sinh viên tại các trường đại học chưa cao. Đi cùng với đó là áp lực trong công tác tổ chức thực hiện, với một lượng lớn thủ tục, hồ sơ hành chính cần giao dịch với hơn 1.700 trường học, tương ứng với việc xử lý dữ liệu, in, cấp thẻ cho khoảng trên 1,7 triệu HSSV.
Bên cạnh những khó khăn mang tính đặc thù như đã nêu ở trên, cũng như các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Hà Nội cũng gặp nhiều những thách thức mang tính khách quan trong quá trình thực hiện một số nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT như thực hiện điều chỉnh mức đóng từ 03 - 4,5% lương cơ sở, thu theo năm tài chính – 12 tháng, thay vì thu theo năm học - 09 tháng…Thực tế cũng cho thấy, năm học 2015-2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên địa bàn giảm so với năm học trước đó; từ 88,25% trong năm học 2014-2015 giảm xuống còn 88,1%.
Gặp nhiều thách thức nhưng BHXH TP. Hà Nội xác định rõ, để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân thì phải tập trung phát triển ở từng nhóm đối tượng, trong đó nhóm HSSV đóng vai trò cần được ưu tiên. Đây là nhóm có tiềm năng phát triển không nhỏ, đồng thời quá trình thực hiện có sự tham gia của ngành giáo dục, cụ thể là các trường học, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, do vậy tính khả thi để tăng diện bao phủ là cao hơn so với các nhóm khác, nhất là với nhóm thuộc diện tham gia theo BHYT hộ gia đình.
Chú trọng công tác tham mưu
Với tinh thần đó, BHXH TP. Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp nhằm hướng tới mục tiêu tăng số HSSV tham gia BHYT.BHXH TP. Hà Nội đã chú trọng công tác tham mưu với Thành ủy Hà Nội, UBND TP về thực hiện chính sách BHYT HSSV. Cụ thể, gần đây nhất theo Thông báo số 848-TB/TU ngày 10/8/2017 về ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với BHXH thành phố Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhất trí các kiến nghị, đề xuất của BHXH Thành phố Hà Nội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan chức năng của Thành phố cần tăng cường phối hợp với BHXH Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,8% và đạt trên 90,1% trước năm 2020.
Đồng thời, BHXH TP cũng đã tham mưu UBND TP ban hành Công văn số 5341/UBND-KGVX ngày 14/9/2016 của UBND TP. Hà Nội chỉ đạo riêng về BHYT HSSV; Kế hoạch số 186/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội triển khai Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục – Đào tạo giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT HSSV với từng cơ sở giáo dục; phấn đấu đạt tỷ lệ tham gia 100%, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho HSSV về trách nhiệm tham gia BHYT theo Luật BHYT; tổ chức thu, cấp thẻ BHYT cho HSSV theo đúng quy định. Sở Y tế tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của UBND TP về y tế học đường; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hà Nội chỉ đạo Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; Đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên là HSSV tham gia BHYT. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp BHXH các quận, huyện, thị xã rà soát, phân loại danh sách HSSV chưa tham gia BHYT để vận động mua thẻ BHYT; đưa tiêu chí về tỷ lệ HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thực hiện BHYT HSSV triển khai các giải pháp đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Việc bình xét thi đua hàng năm của mỗi trường nghiêm túc đánh giá chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT; chỉ đạo các phòng chức năng, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và phối hợp chặt chẽ với BHXH các quận, huyện, thị xã trong tổ chức thực hiện cấp thẻ BHYT đối với HSSV; kịp thời báo cáo, cung cấp số liệu về tình hình tham gia BHYT của HSSV trên địa bàn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP. Hà Nội, sự nỗ lực của BHXH TP, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan, số HSSV tham gia BHYT trên địa bàn Thủ đô đã tăng 2,67% trong năm 2017, đạt tỷ lệ bao phủ 90,77% tổng số HSSV. Với số lượng lớn các trường học, HSSV đông nhất cả nước, tỷ lệ tăng thêm 2,67% tương ứng với đó là con số tuyệt đối không hề nhỏ, rất đáng khích lệ, cũng là dấu mốc mới cho sự phát triển BHYT của Hà Nội nói chung và BHYT HSSV nói riêng. Trong đó, một số quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ bao phủ cao; điển hình có thể kể đến Hai Bà Trưng (99,84%); Hoàn Kiếm (98,9%); Tây Hồ (98,68%); Long Biên (98,08%); Hoàng Mai (96,48%)...
Em Phạm Hoàng Minh - 8 tuổi đang điều trị tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Đảm bảo quyền lợi của HSSV
BHXH TP cũng rất chú trọng việc đảm bảo quyền lợi của HSSV khi đi KCB BHYT.
Năm học 2016 – 2017, BHXH TP đã trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học là 78 tỷ 780 triệu đồng.
Qua đó, góp phần giúp hệ thống y tế trường học (YTTH) trên địa bàn được kiện toàn và phát triển với cách thức, quy trình phối hợp hoạt động chặt chẽ, năng lực cán bộ YTTH được nâng cao; điều kiện học tập và vệ sinh được cải thiện đáng kể; các loại dịch bệnh giảm nhiều và không có dịch lớn xảy ra; các tài liệu chuyên môn có chất lượng, cập nhật kiến thức được phổ biến kịp thời; kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao…
Thông qua chăm sóc sức khỏe từ YTTH, HSSV không chỉ được chăm sóc sơ cứu ban đầu khi không may xảy ra các tai nạn tại trường học, mà thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu năm học, chương trình tầm soát các bệnh học đường, sẽ góp phần phát hiện sớm các bệnh lý ở các em, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tật, giúp các em có đủ sức khỏe học tập và phát triển toàn diện trí lực và thể lực.
BHXH TP cũng chi trả không ít trường hợp HSSV bị tai nạn, ốm đau bất ngờ, bị mắc bệnh hiểm nghèo lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị bệnh.Như trường hợp của em Phạm Hoàng Minh, sinh năm 2009 đang được điều trị tan máu bẩm sinh (thalassemia) tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ngay khi mới 1 tuổi, em đã phát căn bệnh quái ác, đe dọa tính mạng và phải nghỉ học từ năm lớp 2 để điều trị. Trung bình mỗi tháng, em phải đi truyền máu định kỳ một lần để giữ tính mạng, kèm theo thải sắt; mỗi đợt điều trị khoảng chục triệu, cũng có khi lên tới hàng trăm triệu. Tháng 6/2017, nhờ có thẻ BHYT mà em đã được ghép tế bào gốc kịp thời, với số tiền BHYT chi trả hơn 300 triệu đồng, gấp hơn 600 lần so với số tiền mua thẻ BHYT chỉ có 491.400 đồng/ năm. Giờ đây sức khỏe của em Minh đã dần cải thiện, không phải truyền máu như trước và có thể sớm đi học trở lại với các bạn.
Em Nguyễn Huy Khánh đang điều trị bệnh Hemophila tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương.
Hay như trường hợp của em Nguyễn Huy Khánh – Sinh viên năm 3 trường Đại học Luật Hà Nội đang điều trị bệnh Hemophilia cả nội trú và ngoại trú từ năm 2010 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khi không may mắc căn bệnh thiếu yếu tố 8 di truyền trong máu. Mỗi tuần, Khánh phải tới viện từ 3 – 4 lần và hàng năm, chi phí điều trị của em có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, là trẻ mồ côi tại Làng trẻ SOS nên Khánh là đối tượng được bảo trợ xã hội và nhờ có thẻ BHYT, năm 2016, BHYT đã chi trả 100% chi phí điều trị cho em là 1,6 tỷ đồng.
Hướng tới 100% HSSV tham gia BHYT
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy và BHXH thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định sự quyết tâm phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường các giải pháp thực hiện BHYT HSSV phấn đấu đến hết năm 2017 đạt tỷ lệ tham gia 100%, hoàn thành chỉ tiêu mà UBND TP đã giao tại Kế hoạch 186/KH-UBND ngày 05/10/2016.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT theo như mục tiêu UBND TP. Hà Nội giao còn không ít khó khăn, BHXH TP xác định phải phát huy triệt để những bài học kinh nghiệm từ các năm trước, đồng thời nêu cao tinh thần chủ động, thực hiện toàn diện các giải pháp trong thực hiện chính sách BHYT HSSV.
Ngày 25/7/2017 vừa qua, BHXH TP. Hà Nội đã có công văn 1820/BHXH-QLT chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã trực thuộc và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn sớm triển khai thực hiện BHYT HSSV năm học 2017-2018.
Công văn của BHXH TP. Hà Nội hướng dẫn cụ thể về mức đóng, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức thù lao thu BHYT HSSV… BHXH TP yêu cầu trong quá trình thực hiện phải linh hoạt về phương thức thu để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học.
BHXH TP đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đẩy mạnh nhận thức của cán bộ, nhà giáo và HSSV về chính sách, pháp luật BHYT. Xác định việc thu BHYT HSSV là trách nhiệm của mỗi nhà trường; bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT. Phối hợp với cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã, lập danh sách và vận động tham gia BHYT với HSSV chưa tham gia hoặc thẻ đã hết hạn sử dụng.Thực hiện cấp thẻ BHYT HSSV qua hình thức giao dịch hồ sơ điện tử. Để bảo đảm phát hành thẻ BHYT cho HSSV đúng thời hạn, cơ sở giáo dục thực hiện lập danh sách và nộp tiền trước ngày 20/9/2017 để cấp thẻ có giá trị đến 31/12/2017; chuyển tiền và lập danh sách trước ngày 20/12/2017 để cấp thẻ có giá trị từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.
BHXH các quận, huyện thị xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thực hiện hướng dẫn BHYT HSSV theo đúng quy định của Luật. Tiếp nhận hồ sơ tham gia, thẩm định, xử lý dữ liệu, in và cấp thẻ BHYT bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Kịp thời xét duyệt và trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu và thù lao BHYT HSSV cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định.
Trước thềm năm học mới 2017 – 2018, để mỗi con em chúng ta được tham gia BHYT HSSV không chỉ là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, của nhà trường mà còn là quyền lợi được hưởng từ chính sách của BHYT đối với các em. Vì sức khỏe con em, vì tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia BHYT HSSV để y tế trường học và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV phát huy hiệu quả tốt nhất, góp phần quan trọng vào mục tiêu BHYT toàn dân theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta./.
Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?