Học sinh - sinh viên tham gia BHYT: Trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân và cộng đồng, xã hội
05/09/2017 09:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Là nhóm đối tượng được triển khai thực hiện từ những năm đầu, chính sách BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) ngày càng khẳng định là một định hướng quan trọng, đúng đắn, có tính chiến lược trong chăm lo, phát triển nguồn lực con người” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
PV: Với tầm quan trọng của BHYT HSSV, ông có thể cho biết quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:
Chính sách BHYT ra đời nhằm huy động sự đóng góp tài chính từ cộng đồng để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dựa trên nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”. Ngày 26/10/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có Công văn số 3504/KG đồng ý để một số địa phương thực hiện thí điểm BHYT.
Cụ thể hóa Điều 39 Hiến pháp 1992, ngày 15/8/1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định 299-HĐBT ban hành Điều lệ BHYT, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Điều lệ BHYT quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với cán bộ, công nhân viên chức tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động; đồng thời, quy định các đối tượng khác tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện. Trong nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện, đối tượng HSSV với tỷ lệ duy trì khá ổn định chiếm khoảng 20% dân số được quan tâm và đưa vào là một trong những nhóm đối tượng cần được triển khai trước nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT.
Nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển BHYT trong tình hình mới, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/07/2009). Luật BHYT điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHYT, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này. Đối với nhóm đối tượng HSSV, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 01/01/2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.
Sau 04 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, ngày 13/06/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo lộ trình; Sử dụng kết dư Quỹ BHYT để nâng cao chất lượng KCB; quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.
Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (06 tháng đầu năm đã đạt 78,2%, khoảng 72 triệu người); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Riêng đối với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.”. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV – thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.
Ảnh minh họa.
PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của BHYT đối với công tác chăm sóc sức khỏe HSSV?
HSSV luôn là một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu trong xây dựng chính sách và phát triển BHYT. Trong suốt hơn hai mươi năm qua kể từ khi BHYT được thực hiện tại Việt Nam, BHYT đối với HSSV đã góp rất hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, đảm bảo để các em phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.
HSSV là thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, chăm lo để các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. BHYT HSSV là một giải pháp cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Với trên 22 triệu HSSV, tương đương gần 1/4 dân số, ngành Giáo dục đang đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe trẻ em thông qua hệ thống y tế trường học (YTTH). Làm tốt công tác CSSK cho HSSV là góp phần xây dựng cộng đồng dân số khỏe mạnh, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trước đây, do điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa hình thành mạng lưới YTTH riêng mà phải phụ thuộc vào y tế cơ sở. Từ năm học 1994- 1995, chính sách BHYT HSSV chính thức được triển khai, với quy định trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển YTTH, cùng với nguồn NSNN.
Hiện nay, quỹ BHYT là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn kinh phí của hoạt động YTTH. Số kinh phí từ quỹ BHYT dành cho YTTH tăng dần qua các năm học; mạng lưới YTTH từ “trắng” đã dần được xây dựng và hoàn thiện.
Sự phát triển YTTH cũng tỉ lệ thuận với mức tăng độ bao phủ BHYT HSSV. Cụ thể, nếu năm học 2006- 2007, cả nước có chưa đầy 45% HSSV tham gia BHYT thì đến hết năm học 2015- 2016 đã có khoảng 90% HSSV tham gia.
Từ nguồn kinh phí quỹ BHYT, hệ thống YTTH được củng cố, phát triển cũng như bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, tủ thuốc… cho các em. Nguồn kinh phí từ quỹ BHYT đã góp phần giảm gánh nặng chi từ NSNN cho YTTH.
Bên cạnh đó, do có nguồn kinh phí ổn định để hoạt động, YTTH đã đảm trách khá tốt nhiệm vụ CSSKBĐ cho HSSV tại nhà trường. HSSV được YTTH quản lý sức khỏe, sơ cấp cứu, xử trí các tai nạn, thương tích vốn hay xảy ra ở lứa tuổi học đường. Ngoài ra, HSSV tham gia BHYT còn có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở KCB trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng do quỹ BHYT chi trả.
PV: Luật BHYT quy định, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tư tưởng mới về chính sách an sinh xã hội đối với người dân, tại Điều 34 đã quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều 58 cũng xác định Nhà nước và xã hội “thực hiện BHYT toàn dân” và Điều 15 quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
Như vậy, Hiến pháp đã xác định rõ trách nhiệm Nhà nước bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, người dân và xã hội cũng có trách nhiệm hay nghĩa vụ tham gia an sinh xã hội, cụ thể là BHXH, BHYT và BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHYT đã quy định: “BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.
Do đó, HSSV là công dân Việt Nam, là đối tượng tham gia BHYT theo luật định thì đương nhiên phải có quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
HSSV cũng được Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ trong việc tham gia chính sách BHYT bằng việc hỗ trợ ít nhất 30% mệnh giá thẻ BHYT. Bên cạnh đó, HSSV là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người nghèo và các đối tượng chính sách khác được NSNN bỏ toàn bộ kinh phí mua thẻ BHYT.
PV: Hiện vẫn còn khoảng gần 8% HSSV chưa tham gia BHYT. Theo ông làm thế nào để 100% HSSV có thẻ BHYT?
Tôi nhận thấy, trong những năm qua, ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo công tác BHYT HSSV. Hằng năm, cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện đều chủ động với ngành Giáo dục cùng cấp tiến hành ký kết chương trình, ban hành Kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác BHYT HSSV, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, cùng với sự nỗ lực của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học, kết quả công tác BHYT HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm: năm học 2013 - 2014 số HSSV tham gia BHYT đạt 85%, đến năm học 2016 - 2017, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ BHYT, hiện nay vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT, đặt ra nhiệm vụ nặng nề của phát triển BHYT HSSV năm học 2017 - 2018.
Nhìn ở thời điểm hiện tại, BHYT, HSSV là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, nhưng nhìn xa hơn thì đấy chính là công tác CSSK cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Nếu nhìn nhận như thế, để chính sách BHYT cho HSSV thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Ngành BHXH được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Ngành Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Thực tế, ở địa phương nào có sự đồng lòng vào cuộc của lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như các trường thì nơi đó đạt hiệu quả cao trong công tác BHYT HSSV.
Ngành BHXH cần phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương tới địa phương, mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền in ấn nhiều tờ rơi, tờ gấp, tổ chức lồng ghép các hội nghị, hội thảo… để tuyên truyền tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về BHYT HSSV. Ngành BHXH cũng phải tăng cường nhân lực để rà soát danh sách, triển khai thu BHYT; cấp thẻ BHYT cho HSSV kịp thời; chuyển kinh phí đúng và đủ để nhà trường chủ động triển khai các nội dung YTTH; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt công tác KCB BHYT, nâng cao chất lượng, làm hài lòng người bệnh, có vậy mới tạo sự tin tưởng yên tâm cho các em đi KCB BHYT.
Bên cạnh đó nhà trường, các thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền vận động và thúc đẩy việc thu đóng BHYT HSSV kịp thời, đầy đủ.
Khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội./.
Tú Anh (thực hiện)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?