Dư địa tăng trưởng còn nhiều nhưng phải quyết liệt hành động, mạnh mẽ đổi mới
05/07/2017 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để cả năm tăng trưởng đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. Thủ tướng cho rằng, đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được. Còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tại phiên họp quan trọng này, các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể.
Sáng 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiến hành phiên họp trực tuyến với các lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để thảo luận tình hình kinh tế-xã hội trong 6 tháng qua và các giải pháp cho nửa cuối của năm nay.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên họp, phát biểu khai mạc, Thủ tướng lưu ý việc bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2017 và đặc biệt là đưa ra các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2017 đã đề ra.
Chỉ số cơ bản của “sức khỏe” nền kinh tế là tốt
“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường, mặc dù gặp khó khăn chung của quốc tế và khu vực, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu”, Thủ tướng nói và nhìn nhận, các chỉ số cơ bản của sức khỏe nền kinh tế đều tốt.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%. Tăng trưởng phục hồi mạnh, quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%. Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục, theo đánh giá của ngành tổng hợp-thống kê và các nhà kinh tế. Kết quả, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh.
Khách quốc tế tăng trên 30%. Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Xu hướng kinh doanh tốt hơn. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, kể từ tháng 3/2008, chỉ số VNIndex đạt trên 777 điểm vào ngày 30/6 vừa qua. Chỉ số PMI do Nikkei đánh giá trong tháng 6 đạt 52,6 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển.
Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tính cả xuất nhập khẩu thì 6 tháng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD.
Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng.
Không chỉ về kinh tế, chúng ta còn đạt kết quả khả quan trên một số mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm. Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức tốt, tạo thuận lợi cho mọi gia đình. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. Tổ chức đối ngoại cấp cao, tăng cường quan hệ với các đối tác, nước lớn, ký kết thương mại đầu tư hàng chục tỷ USD, mở ra chương mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Nhiều tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ ra các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức. Trước hết, trong nông nghiệp, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%. “Trong mức tăng trưởng 5,73% 6 tháng đầu năm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí cả. Dầu khí vẫn giữ con số cũ, chưa có tăng thêm”, Thủ tướng nói và cho rằng, chưa hề có giải pháp nào đẩy mạnh khai khoáng mà tăng trưởng 6 tháng đầu năm có được là do sức sống, chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế.
Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng.
Chúng ta còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường.
Từ những thành quả, bất cập nêu trên, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để cả năm 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. “Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói đang phục hồi mạnh. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi”, Thủ tướng cho biết còn nhiều dư địa để tăng trưởng, đồng thời nhấn mạnh: Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Thủ tướng phải nói mạnh mẽ hơn với các địa phương”
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể, “Chính phủ phải làm gì, từng bộ, ngành, địa phương phải làm gì để bảo đảm tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực và cả nền kinh tế”. “Làm gì để thúc đẩy công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ hơn? Cần kích cầu không? Sáu tháng tăng trưởng tín dụng 8% thì có nhiều ý kiến góp ý năm nay tín dụng có thể tăng 18-20% được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn, đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản, thịt lợn, gà, trái cây; giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn. Nhấn mạnh giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để đỡ phải chạy lên Trung ương xin thủ tục. Bên cạnh giải quyết vấn đề kinh tế, cần quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội bức xúc.
“Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức”, Thủ tướng nêu rõ. Một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị chú trọng tập trung bàn, đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để chủ trương, cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện vượt các chỉ tiêu, Đảng, Quốc hội giao.
“Trước khi vào hội trường này, tôi đã nghe rất nhiều nhà kinh tế điện nhắn tới rằng Thủ tướng phải nói mạnh mẽ hơn với các địa phương rằng phải đẩy mạnh cải cách hành chính trên thực tế. Trên thực tế còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, có điều đó không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ và đề nghị các đại biểu đổi mới cách thảo luận để cuộc họp đạt kết quả.
Theo VGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?