Lợi, hại việc nhận BHXH một lần?
04/07/2017 09:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hiện đang có 2 tình huống: Nhiều công nhân trẻ, người lao động đang làm việc nhất quyết nhận BHXH một lần; nhưng, cũng không ít người lao động từng nhận BHXH một lần, giờ đây sau 60 tuổi sống trong cảnh không có lương hưu, lại hối tiếc.
Ông Phạm Thanh Dự (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) tiếc vì đã lãnh BHXH một lần nên giờ không có lương hưu
Xin trả lại tiền BHXH một lần
Bà Trần Thị Mỹ Lệ (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) từng làm ở UBND quận 3, TPHCM. Năm 2000, lúc đó 45 tuổi, có 24 năm đóng BHXH thì bà Lệ nghỉ việc, hưởng chế độ BHXH một lần. Bà Lệ kể, lúc đó bà lãnh BHXH được hơn 9 triệu đồng, chi dùng chẳng mấy là hết. “Bây giờ, cuộc sống của tôi khó khăn, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng phải tự mua chứ không được cấp như những người có lương hưu”, bà Mỹ Lệ chia sẻ. Rồi bà Lệ đề nghị: “Tôi có thể trả lại số tiền tôi đã lãnh BHXH một lần trước đó, để được tính lại thời gian tham gia BHXH nhằm hưởng lương hưu hay không?”. Tương tự, bà Võ Thị Minh Châu (ngụ quận 12) làm công nhân viên quốc phòng từ năm 1981. 13 năm sau, bà nghỉ việc, nhận chế độ BHXH một lần được hơn 1 triệu đồng. Giờ đây đã hết tuổi lao động và không có lương hưu hay chế độ gì, bà Châu rất buồn. Bà Châu cũng mong muốn được trả lại hơn 1 triệu đồng, đổi lấy thời gian 13 năm đã đóng BHXH, rồi đóng tiếp cho đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng hưu trí.
Ông Phạm Thanh Dự (ngụ huyện Bình Chánh) càng tiếc hơn khi thời gian tham gia BHXH của ông chỉ còn thiếu đúng 1 tháng nữa là đủ điều kiện hưởng lương hưu, song ông đã nhận BHXH một lần. Ông Dự kể, sau 6 năm đi bộ đội, ông chuyển ngành về làm việc tại Cảng Thủ Đức, thuộc Tổng công ty Đường sông miền Nam. Năm 1997, do cơ quan không sắp xếp được công việc, ông nghỉ làm, hưởng chế độ BHXH một lần cho… 19 năm 11 tháng đóng BHXH! Ông Dự nhớ lại: “Lúc đó tôi chỉ lo làm lụng, không tìm hiểu pháp luật và cũng không ai phân tích cho tôi là có nhiều phương án khi nghỉ việc: lãnh BHXH một lần; cứ chốt sổ BHXH để đó, bảo lưu thời gian đóng BHXH rồi sau này đóng tiếp để hưởng lương hưu. Nên tôi đã nhận BHXH một lần và không ngờ có ngày hối tiếc”. Số tiền ông Dự lãnh BHXH một lần năm đó gần 6,2 triệu đồng, mua được đúng một bộ sa lông bằng gỗ. Sau khi lãnh BHXH một lần, ông Dự có đi làm nơi khác nhưng không kịp đóng BHXH để hưởng lương hưu nữa. Nay 63 tuổi, cuộc sống về già khó khăn do không có lương hưu, ông Dự nghĩ về thời điểm đã lãnh BHXH một lần mà tiếc. Dẫn câu chuyện tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng cao, ông Dự tính toán, nếu bây giờ ông hưởng lương hưu thì chỉ cần 2 - 3 năm là đã đủ, bằng với số tiền lãnh BHXH một lần; còn lại nhiều năm sau đó là “lời”!
Không được trả lại tiền BHXH một lần
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt câu hỏi: Hôm nay người lao động còn trẻ, lãnh BHXH một lần là có một khoản tiền vui vẻ mua sắm, làm việc này việc khác. Nhưng sau 60 tuổi, khi hết tuổi lao động rồi, thì người dân sống bằng cái gì?. Nhiều người còn nói gửi tiền vào ngân hàng có lợi hơn là đóng BHXH và có ý hưởng BHXH một lần. Vấn đề ở chỗ, trong 22% tiền lương đóng BHXH hàng tháng thì người lao động chỉ đóng có 8%, còn doanh nghiệp đóng 14%. Nếu không đóng BHXH theo luật quy định, người lao động có thể tự dưng lấy 14% tiền lương của doanh nghiệp đi gửi ngân hàng được không?.
Trong cả nước, theo BHXH Việt Nam, năm 2016, số người tham gia mới BHXH là 775.000 người (tăng 6,3% so với năm 2015). Trong khi đó, có tới 665.000 người hưởng BHXH một lần (tăng gần 6%). Khoảng 80% số người nghỉ việc, thôi việc, hưởng chế độ BHXH một lần sau đó đi làm nơi khác. Điều đó cho thấy, mục đích của đa số người nghỉ việc là muốn nhận BHXH một lần chứ không phải là đã hết khả năng lao động.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đây là tình trạng đáng báo động, bởi cứ “vào” 770.000 người lại “ra” 660.000 người thì không biết đến bao giờ cả nước mới đạt mục tiêu 50% lực lượng lao động, khoảng 30 triệu người, tham gia BHXH (Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH - PV). Hiện nay, cả nước mới có hơn 13 triệu người tham gia BHXH và kỳ vọng hết năm 2017, số lượng người tham gia BHXH đạt 26,8%.
Trong các chế độ của BHXH (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì hưu trí là chế độ dài hạn, là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách BHXH, nhằm lo cho cuộc sống lúc tuổi già. Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH TPHCM, cho hay tâm lý của nhiều người sau một số năm lao động liền nghỉ việc, “ăn non” - hưởng chế độ BHXH một lần, coi đó như là một khoản tiết kiệm chứ không tính đến chuyện hưởng dài lâu là lương hưu. Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích thêm, mỗi năm khoản tiền đóng BHXH tương ứng khoảng 2,64 tháng lương. Nhưng khi lãnh BHXH một lần, chỉ được hưởng 2 tháng lương cho mỗi một năm làm việc. Như vậy, người lao động đã bỏ lại 0,64 tháng lương mỗi năm làm việc. “Không thể nói chọn lựa đó có lợi được”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đó là tính toán đơn thuần trong một năm, còn nhìn tổng thể cả quá trình hàng chục năm, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), khẳng định: “Lãnh hưu hàng tháng lợi hơn nhiều so với lãnh BHXH một lần”. Lấy bài toán người lao động có 20 năm đóng BHXH với mức tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng, ông Điều Bá Được chỉ rõ, nếu lãnh chế độ một lần thì người lao động là nam, hay nữ chỉ được nhận 124 triệu đồng; nhưng nếu hưởng lương hưu thì lao động nam được tổng cộng 516 triệu đồng, nữ được 756 triệu đồng (sau khi về hưu, nam giới trung bình sống hơn 18 năm tương ứng với 217 tháng hưởng lương hưu, nữ giới là 24,5 năm tương ứng với 294 tháng). Ngoài lương hưu, hưu trí còn được cấp thẻ BHYT, khi chết được mai táng phí, thân nhân được hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng với con dưới 18 tuổi, người già, người bệnh. Trong khi, nếu nhận BHXH một lần thì không được hưởng các quyền lợi này nữa.
Về việc nhiều người đã lãnh BHXH một lần đề nghị trả lại số tiền đã lãnh để được hưởng lương hưu, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: Pháp luật về BHXH hiện hành không có quy định nào về việc người lao động đã lãnh trợ cấp một lần được hoàn trả số tiền đã nhận để tính lại thời gian công tác từ đầu, đóng tiếp BHXH để lãnh lương hưu. Chỉ những ai đã có quyết định hưởng BHXH một lần nhưng trên thực tế người đó chưa nhận khoản trợ cấp này, mà có đề nghị cơ quan BHXH hủy quyết định hưởng BHXH một lần thì cơ quan BHXH xem xét giải quyết. Nếu khoản tiền BHXH một lần thật sự chưa được chi từ Quỹ BHXH và người lao động thực sự chưa nhận tiền thì sẽ ra quyết định hủy quyết định hưởng BHXH một lần để bảo lưu thời gian đóng BHXH, hoặc tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
Theo SGGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?