Báo động bệnh nghề nghiệp!
30/05/2017 01:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế , bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các yếu tố gây nên bệnh đường hô hấp và bệnh điếc nghề nghiệp.
Khám bệnh định kỳ cho công nhân Công ty Xi măng Phú Thọ.
Anh Nguyễn Văn Tú, chưa đầy 30 tuổi đã phải sống chung với chứng điếc tai khó chữa. Từ miền Trung ra Hà Nội làm công nhân cơ khí chưa đến 2 năm. Giờ đây, mỗi lần trao đổi với người đối diện, người ta phải hét như quát anh mới nghe được. Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, thầy thuốc cảnh báo anh đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp và có thể bị điếc nếu tình trạng kéo dài.
Đây chỉ là một số trường hợp trong hàng triệu lao động bất đắc dĩ “dính” thêm căn bệnh vì cuộc mưu sinh. Báo cáo của 57 tỉnh, thành phố mới đây cho thấy, trong số hơn 1,2 triệu trường hợp NLĐ đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cho thấy các bệnh thường mắc như: Bệnh về đường hô hấp chiếm 25,6%; bệnh về đường tiêu hóa 16%; bệnh về mắt 6,7%; bệnh cơ xương khớp 8,3%; bệnh về tai 2,32%; bệnh về da 3,45% và bệnh tim mạch 4,23%.
42 tỉnh, thành phố thực hiện khám bệnh cho NLĐ cuối năm 2016 cho thấy, có tới 156.899 NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó: Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 64,4%; bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp chiếm 10,2%; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp chiếm 5,1%; bệnh nhiễm độc monoxit cacbon nghề nghiệp chiếm 3,2% và một số khác như bụi phổi than nghề nghiệp, nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
Còn chỉ riêng khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng Tp.HCM (Bộ Y tế), trong số 1.000 công nhân nghề may đã có đến 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ - xương - khớp... Khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp, Viện Vệ sinh Y tế công cộng Tp.HCM đã cảnh báo, NLĐ đang đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến 10% (trong số khảo sát) được chăm sóc sức khỏe. Tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp Tp.HCM, nếu như các năm trước, tỉ lệ bệnh nhân là công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp chỉ chiếm 10% - 15% thì gần đây, tỉ lệ này là 30%. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM cảnh báo, có đến 35% công nhân không bảo đảm 4 bữa ăn trong ngày; tỉ lệ NLĐ, đặc biệt là nữ công nhân, thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức đáng quan ngại.
Đánh giá về bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay việc khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử: Công tác chỉ đạo, quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về ATVSLĐ cũng như phòng chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp, nhất là công tác lập hồ sơ, quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc... Đặc biệt, nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn rất hạn chế, hầu hết các tỉnh chưa bố trí được nguồn ngân sách theo quy định tại Quyết định 05 của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016- 2020.
Còn dưới góc độ quốc tế, ông Sharan Burrow, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Quốc tế cho rằng: “Không thể chấp nhận cảnh NLĐ phải đánh đổi sức khỏe để kiếm sống. Bởi không được phép quên rằng bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội - một gánh nặng hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Còn Tổng Giám Đốc Tổ chức lao động quốc tế ( ILO) Guy Ryder nhấn mạnh: “Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa NLĐ và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất”. Theo ông Ryder, phòng ngừa là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà bệnh nghề nghiệp mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Ông cho biết, ILO đang kêu gọi xây dựng một “mô hình phòng ngừa toàn diện và thống nhất hướng tới các mục tiêu làm giảm bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ đối phó với các thương tật lao động”.
Các chuyên gia về lao động cảnh báo trong xu thế hội nhập, với nhiều ngành nghề mới được phát triển, việc sử dụng nhiều hóa chất khác nhau sẽ dẫn đến số bệnh nghề nghiệp tăng cao, cả cấp tính và mạn tính, đặc biệt khi để bệnh tích tụ lâu năm thì càng nguy hiểm, không có thuốc chữa, thậm chí tử vong. NLĐ có vai trò to lớn tạo ra giá trị vật chất cho doanh nghiệp, thế nhưng sức khỏe và tính mạng của họ chưa được các đơn vị này quan tâm đúng mức./.
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?