Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân
06/03/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quyết tâm thông tuyến KCB BHYT, tin học hóa BHYT và ưu tiên đầu tư y tế cơ sở là một số chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên giải trình về việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT vừa qua tại Hà Nội.
Quyết tâm thông tuyến Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đến nay tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 81,7%, và Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 ít nhất là 90%, chưa kể những người tham gia BHYT dưới dạng thương mại. Nếu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%, đi kèm với thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, nâng mệnh giá BHYT thì sẽ bảo đảm nâng cao chất lượng KCB cho người dân, phát triển BHYT toàn dân một cách bền vững. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu thực hiện nên có không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế làm lùi quyết tâm thông tuyến. Chính phủ cũng xác định, các mốc thời hạn thực hiện thông tuyến KCB BHYT quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã là thời hạn chậm nhất, còn thực tế triển khai sớm hơn ngày nào là tốt ngày đó cho người dân. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan hữu quan quán triệt, thực hiện đúng yêu cầu này, mà trước hết là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để thực hiện thông suốt lộ trình thông tuyến KCB BHYT. Trong đó, với chức năng chủ trì thực hiện chăm lo sức khỏe người dân, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện các văn bản, tăng cường chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện đầy đủ các điều kiện để triển khai thông tuyến KCB BHYT. Phó Thủ tướng đề cập, phải bảo đảm chi tiêu BHYT tiết kiệm và hiệu quả nhất. Các cơ quan có liên quan thể hiện rõ trách nhiệm trước nhân dân bằng việc làm sao để người có bệnh sẽ được dùng các dịch vụ phù hợp nhất, loại thuốc phù hợp nhất, với giá hợp lý và tiết kiệm nhất. Trong hai năm 2015 và 2016, Bộ Y tế đã tạo ra bước tiến khi áp dụng phương thức quản lý mới, giúp giảm giá thuốc, góp phần tiết kiệm quỹ KCB BHYT cũng như góp phần tiết kiệm tiền của dân. Các cơ quan chức năng cần phát huy tinh thần đổi mới này. Không thể vì một số tiêu cực, hiện tượng vượt tuyến gia tăng, bội chi Quỹ KCB BHYT mà đặt lại vấn đề về chủ trương thông tuyến. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tổng số 41,6% số kinh phí chi quỹ tăng thêm, chỉ có 5,3% là do thực hiện cơ chế thông tuyến. Tin học hóa trong quản lý các cơ sở y tế - Yêu cầu bắt buộc Đề cập đến vai trò của CNTT trong KCB BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các ĐBQH đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện đúng lộ trình và đầy đủ ý nghĩa của thông tuyến KCB BHYT. Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp này, trong đó tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình KCB. Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã có bước tiến quan trọng khi nối mạng được 12 nghìn cơ sở y tế trên cả nước. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh triển khai một số dự án, tiến tới tích hợp hệ thống thông tin giám định bảo hiểm, thanh toán bảo hiểm và quản lý toàn bộ thẻ bảo hiểm, giúp hình thành hệ thống dữ liệu y tế đầy đủ. Nhưng khâu quan trọng nhất trong thực hiện thông tuyến KCB BHYT là triển khai tin học hóa ở bệnh viện. Việc chậm liên thông dữ liệu KCB BHYT của một số bệnh viện do hạ tầng mạng, thiếu nhân lực… nhưng về cơ bản những nơi chậm là những nơi chưa ý thức được trách nhiệm của mình trước nhân dân. Vì thế cần kiên quyết hơn với những cơ sở này. Phó Thủ tướng phân tích, nếu năm 2015, số thẻ BHYT đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt 69.972.000 thẻ BHYT bao phủ 76,2% dân số cả nước. Đến năm 2016, số người tham gia đạt 75.832.000 người (tăng 8,3% so với 2015) bao phủ 81,7% dân số. Số lượt khám chữa bệnh cả nước ước 148 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2015. Số chi khám chữa bệnh ước 69.410 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2015. Bên cạnh đó, với hơn 23.000 loại thuốc, gần 17.000 loại dịch vụ y tế, và khoảng 150 triệu lượt khám BHYT trong năm 2016, nếu không tin học hóa, chưa nói tiêu cực chỉ là nhầm lẫn thôi cũng là con số không nhỏ. “Vì vậy, tin học hóa trong quản lý các cơ sở y tế là yêu cầu bắt buộc” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động và hỗ trợ kinh phí những phần cơ bản trong thực hiện tin học hóa, điều đó là thuận lợi hơn chứ không phải gây khó khăn cho các bệnh viện”.
Tập trung phát triển y tế cơ sở Để giải căn cơ cho “bài toán” vượt tuyến khi thực hiện thông tuyến khám chữa bênh BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cần phải đi từ “cái gốc” của ngành y tế là cơ sở và dự phòng. Chính phủ xác định trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Tăng cường y tế cơ sở và sắp tới là kế hoạch thực hiện quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân, BHYT toàn dân. Trong hơn 90 triệu người dân, có một số đối tượng thuộc quy định của các luật là phải được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu như: học sinh, sinh viên, người già và những người lao động có quan hệ lao động bằng hợp đồng… Nhưng thực tế nhiều đối tượng vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách do luật định. Nói về ý nghĩa của việc thực hiện khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế cơ sở, Phó Thủ tướng phân tích: “Điều này, không chỉ giúp phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện tuyến trên một cách vững chắc, tiến tới giảm chi phí y tế cho cả hệ thống mà còn là việc làm thiết thực thể hiện tinh thần tất cả vì người dân”. Phó Thủ tướng rất trăn trở và cho biết: “Chỉ khi chúng ta làm được điều này, thì tổng chi cho sức khỏe người dân, dù không tăng được nhiều, nhưng hiệu quả sẽ nâng lên. Đồng thời khắc phục được tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để chiếu chụp, xét nghiệm. Khắc phục tình trạng rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa chỉ đi khám khi đã có bệnh, thậm chí nhiều người bệnh nặng rồi, khám xong là vào giai đoạn cuối. Hay nhiều người già không được khám mắt nên phải chấp nhận mắt bị mờ đi như một quy luật”. Về nhân lực thực hiện Kế hoạch, ngành y tế đã có những bước chuẩn bị quan trọng nhất là đưa trạm y tế xã trực thuộc quản lý trực tiếp của trung tâm y tế huyện. Điều này giúp trạm y tế xã được hỗ trợ trực tiếp cả về chuyên môn, cán bộ, bác sĩ từ tuyến huyện. Về nguồn kinh phí thực hiện, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành ngay gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ do quỹ BHYT chi trả chi trả theo quy định của Luật BHYT.
ĐH
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?