BHXH tự nguyện - lựa chọn thiết thực cho người lao động tự do

04/05/2025 06:31 AM


Trước yêu cầu nâng cao chất lượng an sinh xã hội, chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đang ngày càng được nhiều người dân quan tâm và lựa chọn. Việc tham gia BHXH tự nguyện không chỉ giúp người lao động tự do có khoản thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động mà còn thể hiện sự chủ động trong việc chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, đặc biệt trong bối cảnh người lao động tự do thường không có các chế độ bảo hiểm bắt buộc như nhóm lao động có hợp đồng.

Tại chợ dân sinh phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội), 5 giờ sáng, chị Đào Thị Thanh (42 tuổi) cùng chồng là anh Nguyễn Hữu Thịnh (50 tuổi) bắt đầu một ngày làm việc mới tại gian hàng bán hoa. Cả hai đã có hơn 10 năm buôn bán tại chợ và đều là lao động tự do không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, từ 5 năm trước, hai vợ chồng đã bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 5 triệu đồng/tháng - tương đương với mức thu nhập bình quân của gia đình.

Chị Thanh chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi không suy nghĩ quá nhiều, nhưng dần dần nhận ra rằng việc đóng bảo hiểm là cần thiết. Có lương hưu sau này thì mình cũng bớt lo lắng, con cái không bị gánh nặng nếu mình ốm đau hay không còn khả năng lao động.”

BHXH tự nguyện - lựa chọn thiết thực cho người lao động tự do (Ảnh minh họa)

Trường hợp của gia đình chị Thanh phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của nhiều lao động tự do hiện nay. Trước đây, việc bỏ ra một khoản tiền hàng tháng để đóng BHXH tự nguyện từng bị xem là gánh nặng, nhất là khi thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, với những cải tiến về chính sách, cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước trong một số giai đoạn nhất định, người dân bắt đầu thấy rõ lợi ích lâu dài mà BHXH mang lại.

Không chỉ có những người lao động ở độ tuổi trung niên mới quan tâm đến BHXH tự nguyện, mà ngày càng có nhiều người trẻ sớm ý thức về việc cần chủ động bảo vệ tương lai. Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 2004), sinh viên năm thứ hai ngành Luật Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân, là một ví dụ. Hiện Ngọc đang điều hành một trung tâm tiếng Anh nhỏ do chính mình thành lập. Từ tháng 1/2024, Ngọc bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 2 triệu đồng/tháng.

“Em nghĩ là mình nên tham gia sớm. Dù bây giờ chưa cần đến, nhưng sau này chắc chắn sẽ có lúc cần. Đóng đều hàng tháng như một khoản chi cố định giúp em có trách nhiệm hơn với bản thân và cả kế hoạch tài chính dài hạn,” Ngọc chia sẻ. Theo Ngọc, việc chủ động tham gia BHXH không chỉ là tính toán tài chính mà còn thể hiện tư duy sống có kế hoạch – một yếu tố mà thế hệ trẻ ngày càng quan tâm trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, nhiều người làm việc tự do, làm việc ngắn hạn hoặc không gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp cụ thể.

Câu chuyện của vợ chồng chị Thanh và bạn Ngọc cho thấy BHXH tự nguyện đang từng bước mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều tầng lớp xã hội, không phân biệt độ tuổi, ngành nghề hay trình độ học vấn. Người dân, dù ở các điều kiện khác nhau, đang dần nhận thấy việc tham gia BHXH là cần thiết cho một tương lai ổn định, giảm thiểu rủi ro khi không còn khả năng lao động.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 2,3 triệu người – con số này cao gấp hơn 10 lần so với năm 2017. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác truyền thông, cũng như chính sách hỗ trợ mức đóng cho một số nhóm đối tượng.

Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2025, Luật BHXH sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực, bổ sung nhiều quyền lợi đáng kể cho người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, hai điểm nổi bật nhất là: người tham gia được bổ sung chế độ thai sản và thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm. Đây là một thay đổi mang tính chất khuyến khích mạnh mẽ, nhất là với những người tham gia muộn hoặc có thu nhập thấp, khó duy trì đóng trong thời gian dài.

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng bổ sung quy định hạn chế rút BHXH một lần, nhằm bảo đảm tính bền vững của hệ thống an sinh. Trên thực tế, nhiều người từng rút một lần đã bày tỏ sự tiếc nuối khi về già không còn khoản thu nhập ổn định. Việc siết chặt điều kiện rút một lần giúp bảo vệ quyền lợi của chính người lao động trong tương lai.

Chị Thanh cũng từng cân nhắc việc rút BHXH một lần: “Có giai đoạn gia đình gặp khó khăn, chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện rút bảo hiểm để xử lý việc riêng. Nhưng sau đó bàn lại, thấy để lại thì yên tâm hơn. Mỗi tháng có lương hưu thì lúc nào cũng có cái để dựa vào.” Đối với Ngọc, quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ khi còn ngồi ghế giảng đường không phải là điều phổ biến trong bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, với Ngọc, đây là sự đầu tư đúng hướng: “Không ai biết trước tương lai, nhưng nếu mình chuẩn bị tốt, thì sau này sẽ bớt bị động. Tham gia BHXH sớm là cách để sống chủ động và có trách nhiệm với chính mình.”

Cùng với việc mở rộng chính sách, nhiều địa phương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền để đưa BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân. Các đại lý thu BHXH tự nguyện, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin và hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục tham gia.

Sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính sách, cơ quan quản lý và người dân đang giúp chính sách BHXH tự nguyện dần trở thành một phần quen thuộc trong đời sống. Từ chỗ chỉ dành cho một số ít người có điều kiện, nay chính sách này đã tiếp cận được cả những nhóm dễ bị tổn thương, có thu nhập không ổn định và khó tiếp cận với các hình thức bảo hiểm truyền thống. Khi ngày càng nhiều người lao động chủ động đưa BHXH tự nguyện vào kế hoạch cuộc sống, chính sách này không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội mà còn nâng cao ý thức cá nhân về việc bảo vệ tương lai chính mình.

Tú Linh