BHXH phải thực sự là trụ cột bền vững của hệ thống an sinh xã hội
03/11/2023 09:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ĐBQH thống nhất với các điều khoản, điểm mới của Dự thảo; đồng thời tập trung trao đổi về các nội dung còn gây tranh luận như việc rút BHXH một lần, mức xử phạt đối với đơn vị SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH...
Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả chủ hộ phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, vào nội dung quy định tại Điều 3. Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh...
“Theo Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Do đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này, vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp. Ngoài ra, tôi ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của Điểm đ Điều 77. Tuy nhiên, mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng BHXH của NLĐ, để NLĐ chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người SDLĐ đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này”- ĐB Hà phân tích.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) góp ý tại tổ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Quochoi
Liên quan đến nội dung trên, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, chúng ta không khuyến khích việc rút BHXH một lần. Tất nhiên, NLĐ đóng vào thì có có quyền được rút ra, nhưng là hưởng phần 8% đã đóng và phải trừ đi chi phí quản lý; phần còn lại do DN đóng, người SDLĐ đóng thì sẽ đưa vào để trở thành quỹ trợ cấp hưu trí.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) phân tích, nếu Luật cho phép NLĐ rút BHXH một lần như thời gian qua, thì sẽ tạo gánh nặng cho an sinh xã hội đất nước. Do đó, để hạn chế tình trạng này, công tác tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa để NLĐ hiểu rõ; đồng thời các ngành cùng vào cuộc với cơ quan BHXH để tuyên truyền để NLĐ có ý thức bảo lưu BHXH, giữ lại số tiền đó để tìm việc làm tiếp.
“Các phương án theo Tờ trình của Chính phủ đều có nhược điểm. Song, nếu được chọn, tôi không muốn cho NLĐ rút BHXH một lần. Bởi, có những gia đình nếu con cái có điều kiện hỗ trợ bố mẹ già thì sẽ ổn định được cuộc sống; còn những gia đình con cái không có điều kiện hỗ trợ, trong khi mức trợ cấp xã hội thấp... thì vô hình chung chúng ta tạo gánh nặng cho xã hội”- ĐB Hiền chia sẻ quan ngại.
Giảm thời gian đóng BHXH là phù hợp
Liên quan đến Điều 3- về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân. Do đó việc quy định đối tượng tham gia phải linh hoạt. Trước hết, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách để 2 nhóm hộ kinh doanh (gồm hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và hộ không phải đăng ký kinh doanh), trong đó đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê, cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lần này sửa luật, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến.
Đồng thời, hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả NLĐ tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) góp ý tại tổ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
“Quan điểm của tôi là Dự thảo Luật BHXH cần quy định lộ trình để tất cả NLĐ từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động; có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường”- ĐB Khải nhấn mạnh.
Về việc ứng dụng CNTT, số hóa công tác thu nộp BHXH, Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ: “Bổ sung quy định về việc ứng dụng CNTT, số hóa công tác thu, nộp BHXH”, theo ĐB Khải, nội dung về ứng dụng CNTT trong quản lý BHXH đã được thể hiện trong Luật BHXH 2014 và lộ trình đến năm 2020 phải hoàn tất, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Điều này không nên giao Chính phủ, mà cần thiết quy định ngay trong Luật để bảo đảm tính khả thi.
“Về giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu, theo tôi là phù hợp, rất tốt cho NLĐ, nhưng thời gian tham gia ngắn chắc chắn là lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng-hưởng. Mục tiêu BHXH toàn dân, nhưng giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ, mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 tuổi và nữ 47 tuổi) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già"- ĐB Khải đề xuất.
Cũng theo ĐB Khải, Dự thảo Luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng. Bởi, nếu quy định như Dự thảo, thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu, dẫn đến sức hấp dẫn của chính sách thấp. Do vậy, cần có quy định cụ thể để NLĐ thấy được tham gia BHXH là có thu nhập và để bảo đảm mức sống tối thiểu”- ĐB Khải nhấn mạnh.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?