Cần quan tâm nhóm lao động phi chính thức để họ được đóng BHXH, BHYT

21/12/2022 03:40 PM


Đó là ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH với Lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, liên quan đến tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới tại TP.HCM.

Phát biểu trong buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng- Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM cho rằng, tình hình quan hệ lao động ở TP.HCM trong thời gian qua là tương đối khả quan, được duy trì ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, ông Thắng kiến nghị TP.HCM cần quan tâm hơn đến nhóm lao động phi chính thức, sớm đưa nhóm này vào nhóm có quan hệ lao động để đảm bảo chế độ cho NLĐ.

“Nếu có quan hệ lao động, tức được ký HĐLĐ, được DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ. Và đương nhiên không chỉ giúp cho quan hệ lao động được hài hòa, ổn định mà ASXH từ đó cũng được đảm bảo”, ông Thắng cho biết.

Xe ôm công nghệ là lực lượng lao động chưa được tham gia BHXH

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng kỳ vọng TP.HCM quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác ASXH trên địa bàn trong thời gian tới. Nhất là là trên địa bàn quận Bình Tân, qua khảo sát cho thấy địa bàn này tập trung đông NLĐ và còn nhiều lao động phi chính thức. Tại TP.HCM, lực lượng lao động phi chính thức ngày càng chiếm số lượng đông đảo- đó là đội ngũ chạy xe công nghệ; là lao động giúp việc nhà, nhân viên nhà hàng, quán ăn, quán café… Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều công nhân nghỉ việc chính thức ở nhà máy chuyển qua làm thời vụ được các công ty cho thuê lại lao động môi giới, sử dụng. Lực lượng này không được tham gia BHXH, BHYT mà chỉ lĩnh lương khoán “một cục” khiến quyền lợi không đảm bảo.

Ý kiến ông Phạm Anh Thắng đưa ra lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, đến nay số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn là 2,5 triệu người, tăng 267.000 người so với năm 2021. Dù vậy, số tiền các DN đang nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tạm tính tới ngày 30/11 là 6,2 nghìn tỷ đồng.

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, TP.HCM có gần 250.000 DN với 2,8 triệu lao động. Trong đó, 1.568 DN hoạt động trong các KCX-KCN, Khu công nghệ cao với 333.000 lao động. Hiện, các DN này vẫn đang rao tuyển khá nhiều lao động. Cụ thể, có 159 DN có nhu cầu tuyển 8.200 lao động, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm. Dự kiến cuối năm TP.HCM sẽ có nhu cầu tuyển dụng thêm 43.000 lao động. Và nếu được tuyển dụng, lực lượng NLĐ này sẽ được ký HĐLĐ, rồi chắc chắn sẽ là lao động chính thức để được tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ Thành phố, Ban Quản lý các KCX-KCN kịp thời theo dõi tình hình các DN trên địa bàn và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ lao động. Cơ quan quản lý nhà nước cũng nhanh chóng tiếp cận các DN có đông lao động nghỉ việc để tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như giới thiệu để NLĐ tìm việc mới tại DN có ký HĐLĐ, được tham gia BHXH, BHYT đầy đủ...

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nói về lao động phi chính thức

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng, lực lượng lao động phi chính thức có vai trò rất quan trọng, vì vậy cần phải nắm bắt để hỗ trợ khu vực này khi Tết sắp tới. Đặc biệt là cần tăng cường công tác đào lại và quan tâm tới lao động phi chính thức. Về lâu dài, cần nâng cao hiệu quả của các tổ chức quản lý lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị lao động sử dụng đông lao động phi chính thức; đẩy mạnh hoạt động của hội đồng trọng tài trong lao động để giúp quan hệ lao động được công khai, minh bạch hơn. Dịp cuối năm, TP.HCM cũng cần tìm hiểu kỹ các DN cho thuê lại lao động đang hoạt động ra sao để đề xuất phương án hỗ trợ, giải quyết...

PV