Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
24/10/2022 02:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, đây là một trong những dự luật được giới chuyên môn và dư luận mong chờ, bởi sẽ tác động không chỉ đến ngành Y tế, mà còn liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Bổ sung các quy định tự chủ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, khi thảo luận về dự thảo luật này, các ĐBQH rất quan tâm đến vấn đề cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở KCB công lập, mà trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ. Nhiều ĐBQH cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải giải quyết được cơ bản những bất cập, tồn tại trong công tác KCB, để khi luật ra đời phải sát thực tế, phù hợp và dễ triển khai.
Cụ thể, tài chính là nguồn thu của các đơn vị y tế để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị; có nguồn tiết kiệm để đầu tư phát triển, đặc biệt là nâng cao nguồn thu cho nhân viên y tế. Từ đó cho thấy, giá dịch vụ y tế cần tiếp cận theo giá thị trường. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần đưa nội dung “tính đúng, tính đủ” (khấu hao, chi phí quản lý…); thanh toán viện phí theo từng trường hợp, từng người bệnh, kể cả trong dịch vụ y tế và BHYT vào dự án luật.
Về giá dịch vụ KCB (Điều 108), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến ĐBQH cho rằng, KCB là dịch vụ đặc biệt, do vậy thẩm quyền quyết định giá KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý về giá và ban hành giá KCB đối với các cơ sở KCB công lập, quy định khung giá KCB đối với những cơ sở y tế thực hiện tự chủ và xã hội hóa. Còn giá KCB của cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo quy định của Luật Giá, song cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Tuy nhiên, qua tiếp thu và chỉnh lý, Ủy ban TVQH thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện. Do đó, chỉ quy định về chi phí KCB và việc quản lý, kiểm soát chi phí KCB; đồng thời nêu các yếu tố làm căn cứ tính giá dịch vụ KCB tại Điều 108. Bên cạnh đó, bổ sung quy định NSNN chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước (Khoản 4, Điều 106 của dự thảo luật) và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1/1/2027 (Khoản 7, Điều 118).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh
Góp ý về xã hội hóa trong KCB (Điều 107), ĐB Nguyễn Trí Thức (TP.HCM và ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, tại Điểm b, Khoản 3, Điều 107 quy định “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở KCB, xây dựng cơ sở hạ tầng“ và đề nghị bổ sung cụm từ “mua sắm trang thiết bị y tế”, vì thực tế thời gian gần đây có cơ sở hợp tác đầu tư công-tư nhưng không có trang thiết bị y tế để hoạt động... Tại Điểm d, Khoản 3, Điều 107 quy định “Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế; dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở KCB“, đề nghị bổ sung thêm hình thức mượn tài sản. Tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 107 quy định “Mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế“, đề nghị bổ sung hình thức liên danh liên kết đầu tư trang thiết bị y tế, mua trả dần, trả chậm đối với các thiết bị y tế...
Còn theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa và tự chủ BV. Mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của CBNV y tế, nhưng hiện nay chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo BHYT. Do đó, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ BV để rút ra bài học, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế.
Nhà nước quy định khung giá dịch vụ KCB
Góp ý thêm, ĐB Lê Văn Cường (Thanh Hóa) đề nghị cần quan tâm chi trả trong cấp cứu (Điều 59) để giúp giảm chi phí điều trị. Đồng thời, đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung nội dung về quản lý bệnh, quản trị BV vào đối tượng tại Điều 4, bởi hiện nay có khoảng 50.000 cán bộ y tế được đào tạo, nhưng lực lượng quản lý BV chỉ khoảng 200 người. “Đây là sự mất cân đối, nên về lâu dài, chúng ta cần đào tạo lực lượng này nhằm hạn chế sự dịch chuyển nhân lực từ khối lâm sàng lên làm chức năng và nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở KCB”- ĐB Cường lưu ý.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình)
Trong khi đó, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động KCB, song cũng là vấn đề còn nhiều bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.
Do đó, dự thảo luật cần bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định việc xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. “Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, bởi đây là điều các ĐBQH, y bác sĩ, nhân viên y tế, những người công tác trong lĩnh vực y tế cũng như nhân dân đang mong mỏi”- ĐB Thu đề nghị.
Liên quan đến giá dịch vụ KCB (Điều 108), ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ KCB đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 20 của BCH Trung ương, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB như: Yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, CNTT, đào tạo…
Vì vậy, ĐB Trần Thị Thanh Hương cho rằng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB công lập và quy định khung giá dịch vụ KCB đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Còn giá dịch vụ KCB của cơ sở y tế tư nhân cần thực hiện theo quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Hà Nội công bố thanh tra 20 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?