BHXH Việt Nam: Đảm bảo quyền lợi ASXH cho người dân trong mọi hoàn cảnh
13/07/2022 03:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 13/7, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị, Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam- Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và trên 700 điểm cầu từ BHXH các địa phương trên toàn quốc...
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp chỉ đạo điều hành trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, trên cơ sở báo cáo kết quả công tác của các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố...
Những thành quả từ sự nỗ lực chung trong toàn ngành BHXH Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giữa bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức, công chức, viên chức, NLĐ trong toàn Ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả tích cực. Ngành BHXH Việt Nam thường xuyên, nghiêm túc, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương; BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tại địa phương để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn... Đơn cử:
BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển KTXH. Đến hết tháng 06/2022, thực hiện 03 chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện giảm đóng vào các quỹ BHXH, BHTN và chi hỗ trợ từ nguồn quỹ BHTN với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho NLĐ và NSDLĐ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, trong đó: riêng chi trả chế độ hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền 30.804 tỷ đồng;
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ; trong đó, cơ quan BHXH có nhiệm vụ xác nhận tình trạng tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ, làm cơ sở để xác định đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ. BHXH Việt Nam đã tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ. Kết quả đến 10/7/2022: với NLĐ đang làm việc trong DN cơ quan BHXH đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.775.210 lao động; với NLĐ quay trở lại thị trường lao động đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 84.889 lao động...
Kết quả trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp DN có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH vẫn đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH. Các nội dung mới phát sinh trong tổ chức thực hiện đã được chỉ đạo triển khai kịp thời, không gây ách tắc trong việc giải quyết, đảm bảo quyền lợi đối với NLĐ.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 590.844 người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó 481.677 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); giải quyết 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 434.162 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 9.295 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động tăng 47,42% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động mắc Covid-19 tăng. Tổng số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid -19 từ năm 2021 tính đến 24/6/2022 là 2.318.567 lượt người với tổng số tiền là 3.081 tỷ đồng.
Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng có những tín hiệu khả quan: Số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp và BHYT đều có tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH đã đạt 16,822 triệu người (đạt 87,7% kế hoạch), tương đương khoảng 34% LLLĐ trong độ tuổi, tăng 81,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 275,5 nghìn người so với cuối năm 2021, tăng 686 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Riêng số người tham gia BHYT giảm so với cùng kỳ và giảm so với thời điểm hết năm 2021, nhưng vẫn tăng 280 nghìn người so với tháng trước. Hiện BHYT đã bao phủ 86,538 triệu người, đạt 94,3% kế hoạch, đạt tỷ lệ 88,66% dân số.
Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đạt hiệu quả cao với 38.632 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 199.289 tỷ đồng, đạt khoảng 46,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 4.278 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có cải thiện đáng kể, với 20.920 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,9% số phải thu (giảm 3.656 tỷ đồng so với tháng trước, giảm 265 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).
Chỉ ra một số khó khăn cho công tác này, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào nhận xét: tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng chậm, nhất là BHYT vẫn giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Một trong những nguyên nhân do dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân, bên cạnh đó còn có sự thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện trong năm 2022... Nhiều DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài... Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH, trợ cấp thất nghiệp sai quy định khó khăn khi đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả; hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả nhưng không có chế tài để xử lý.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của BHXH các địa phương với nhiều mô hình, cách làm hay khắc phục các khó khăn này. Các địa phương đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng, giảm lao động và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2022 trên địa bàn để xây dựng các giải pháp chỉ đạo, điều hành công tác thu, phát triển người tham gia năm 2022; triển khai, tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia không đầy đủ, doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm...
Công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất cũng được các địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện thanh tra đột xuất được 1.339/27.742 đơn vị thuộc diện phải thanh tra. Kết quả đã phát hiện các DN trốn đóng BHXH, BHYT cho 581 lao động, với số tiền truy đóng 3,06 tỷ đồng; lao động đóng thiếu là 919 lao động, số tiền truy đóng: 10,9 tỷ đồng. Trước thời điểm thanh tra, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN này là 429 tỷ đồng, sau thanh tra đã khắc phục số nợ 199 tỷ đồng...
Trong 6 tháng đầu năm, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, BHXH Việt Nam đã xác định đây là thời điểm thuận lợi trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHTN, BHYT tới các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Kết quả:
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 6.400 tin, bài, phóng sự… (bình quân mỗi ngày có khoảng 35 tin, bài) phản ánh chính sách BHXH, BHTN, BHYT, các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam được các báo, đài Trung ương đăng tải (tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021).
Trước tình hình nhận BHXH một lần tại một số tỉnh, thành phía Nam tăng cao so với cùng kỳ, BHXH Việt Nam đã triển khai kịp thời và phát hành 02 Thông tin báo chí khuyến cáo người tham gia không nên rút BHXH một lần; tuyên truyền lồng ghép vào 03 Thông tin báo chí về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và BHYT miễn phí, khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện thay vì rút BHXH 1 lần…và gửi tới các cơ quan báo chí Trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Qua đó, đã có gần 450 tin bài, phóng sự, tọa đàm được đăng tải, phát sóng rộng khắp trên các báo, đài Trung ương, địa phương; sản xuất 02 Motion graphic cùng 2 Infographic về “Những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần” và đăng tải, chia sẻ đăng tải chia sẻ các thông tin này trên Facebook, Zalo; có 40.000 lượt phát thanh các nội dung này được tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh xã phường và tại các đợt truyền thông lưu động của 63 tỉnh, thành phố.
Những kết quả của công tác truyền thông đã góp phần giúp chính sách BHXH, BHYT thực sự lan tỏa tới mọi người dân, mọi vùng miền, đồng thời cũng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và theo dõi thông tin; nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội nghị.
Tập trung tăng độ bao phủ BHXH, BHYT
Chia sẻ tại Hội nghị, BHXH một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lai Châu, Bình Định... cùng chung nhận định: một trong các giải pháp hiệu quả là tham mưu, vận động sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương, đảm bảo triển khai hiệu của các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn... Đặc biệt là sự chủ động từ chính cơ quan BHXH triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa bàn...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành đồng thời đánh giá cao sự chủ động của BHXH các địa phương với nhiều mô hình, cách làm hay phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao công tác BHXH, BHYT; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho một số nhóm đối tượng khó khăn...
BHXH nhiều địa phương cũng ứng dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, phối hợp với cơ quan thuế, rà soát dữ liệu NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT; nắm bắt tình hình DN để đôn đốc, hướng dẫn DN thực hiện các nghĩa vụ với NLĐ... “BHXH các địa phương có thể tham mưu lãnh đạo Ngành làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, tham mưu các giải pháp phù hợp với từng địa bàn...”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Nhấn mạnh tiêu chí của ngành BHXH Việt Nam luôn kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu BHXH các địa phương, Ban thực hiện chính sách BHYT chủ động chuẩn bị các cơ sở dữ liệu, để ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021, đảm bảo triển khai quyết toán nhanh, đúng quy định. Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý BHXH các tỉnh phải thẩm định, kiểm tra kỹ khi tiếp nhận các trường hợp hưởng BHXH một lần, vừa hài hòa lợi ích của NLĐ, đồng thời đảm bảo đúng quy định...
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam- Nguyễn Văn Cường đánh giá tích cực
về kết quả thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam- Nguyễn Văn Cường đã có những đánh giá tổng quan tích cực về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam đồng thời đề nghị: BHXH Việt Nam cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu năm 2022. Trong đó, đặc biệt tận dụng triệt để hiệu quả CNTT trong thanh, kiểm tra, thu hồi nợ đọng và phát hiện các vi phạm trong thực hiện chính sách. “Đề nghị lãnh dạo BHXH các địa phương nếu gặp vướng mắc, cần sớm phát hiện, tổng hợp về BHXH Việt Nam, để báo cáo HĐQL sẵn sàng vào cuộc kịp thời tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội này...” Ông Cường nhấn mạnh.
Sau khi nghe những ý kiến tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách và HĐQL.
Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ đó chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế. Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phù hợp với thực tiễn...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kết luận chỉ đạo Hội nghị
Tổng Giám đốc đặc biệt nhấn mạnh: các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Ngành BHXH Việt Nam cần phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là: vừa đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; đảm bảo hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?