BHXH Việt Nam ban hành Quy chế hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

30/06/2022 07:48 PM


Ngày 12/5/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 1155/QĐ-BHXH về Quy chế hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm hướng dẫn về quản lý hoạt động thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tổ chức dịch vụ được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ủy quyền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và bảo hiểm y tế hộ gia đình theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tên gọi “Quy chế quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT” được đặt theo quy định tại Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Trước đây, Quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT được thực hiện theo Quyết định 1599/QĐ-BHXH ngày 28/10/2016 của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, một số nội dung không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu sửa đổi để xây dựng mạng lưới đại lý thu chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, theo Điểm e, Khoản 3, Điều 2 Nghị định 89/2020/NĐ-CP, những quy định ban hành kèm theo Quyết định 1599/QĐ-BHXH không còn phù hợp. Từ thực tế trên, BHXH Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Quy chế mới sửa đổi, thay thế Quy chế cũ (ban hành kèm theo Quyết định 1599/QĐ-BHXH). 

Qua rà soát quy định pháp luật, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về “tổ chức dịch vụ”. Do đó, để có cơ sở xây dựng nội dung mới, BHXH Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ các vấn đề liên quan, xem xét, cân nhắc các yêu cầu thực tiễn. Từ tháng 7/2020, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội thảo với 15 BHXH tỉnh, thành phố phía Bắc và 15 BHXH tỉnh, thành phố phía Nam để lấy ý kiến xây dựng dự thảo Quy chế mới. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc, BHXH Việt Nam tiếp tục xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam. Trong đó, đã đề nghị hướng dẫn, làm rõ nội hàm “tổ chức dịch vụ thu” được cơ quan BHXH ủy quyền.

Tháng 6/2021, BHXH Việt Nam đã có Công văn 1609/BHXH-TST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc trong triển khai hoạt động ủy quyền thu. Theo đó, ngày 19/6/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn 4116/VPCP-KTTH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chủ trì và phối hợp các bộ, ngành có liên quan xử lý vướng mắc trên. Qua nhiều lần xin ý kiến các bộ, ngành và ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, Quy chế quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT thay thế Quy chế tại Quyết định 1599/QĐ-BHXH đã được ban hành ngày 10/5/2022.

Thực hiện tốt để đảm bảo đúng, chuẩn chỉ, tạo một quy trình quản lý hiện đại, thống nhất trên toàn quốc.

Quy chế mới gồm 6 Chương, quy định các nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; tổ chức dịch vụ, nhân viên thu BHXH, BHYT; hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT; quy trình ký hợp đồng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức dịch vụ và hệ thống biểu mẫu, chế độ thông tin báo cáo...

Theo đó, các nội dung được xây dựng và quy định tương đối chi tiết. Đáng chú ý, quá trình quản lý dữ liệu tổ chức dịch vụ, nhân viên thu được xây dựng tương đối chặt chẽ. Trong đó: Quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thu tại BHXH cấp huyện/Phòng Quản lý Thu, Giám đốc BHXH huyện/Trưởng phòng Quản lý Thu, Giám đốc BHXH tỉnh và Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ.

Việc phân cấp quản lý và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ở từng vị trí quản lý rất cụ thể đến từng giờ. Đơn cử: Trước 15h ngày 2 hằng tháng, cán bộ thu của BHXH huyện/Phòng Quản lý Thu phải làm gì; trước 15h ngày 3 hằng tháng, Giám đốc BHXH huyện/Trưởng phòng Quản lý Thu phải làm gì… Tương tự như vậy là trách nhiệm của Giám đốc BHXH tỉnh, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ với yêu cầu đặt ra trước giờ nào, ngày nào.

Tương ứng với từng nhiệm vụ, sau 5 phút không thực hiện, phần mềm quản lý tự động khóa dữ liệu. Đây là điều cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt để đảm bảo đúng, chuẩn chỉ, tạo một quy trình quản lý hiện đại, thống nhất trên toàn quốc.

Đứng trước những áp lực trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2022 cũng như các nội dung theo Quy chế mới có nhiều bỡ ngỡ, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã và đang nêu cao tinh thần chủ động cao nhất có thể, nghiên cứu kỹ để triển khai linh hoạt, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Theo đó, bước đầu tiên, cơ quan BHXH ở địa phương phải nhanh chóng rà soát, thông báo, gửi thư mời/giấy mời đến các tổ chức dịch vụ trên địa bàn; thông báo về việc phối hợp tổ chức triển khai thu, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng thông qua hợp đồng ủy quyền; triển khai quản lý hoạt động dịch vụ thu BHXH, BHYT đối với tổ chức dịch vụ trên địa bàn.

Trường hợp phát sinh những đại lý thu không đủ điều kiện hoạt động theo quy chế mới, quy định chuyển tiếp cũng đã nêu rõ: Hợp đồng đại lý thu BHXH, BHYT đã ký theo quy định tại Quyết định số 1599/QĐ-BHXH giao kết có giá trị thực hiện đến hết ngày 30/6/2022; thực hiện chấm dứt và thanh lý hợp đồng theo quy định tại quy chế này. Đại lý thu là tổ chức dịch vụ đủ điều kiện thì ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT cũng theo quy chế này.

Nhân viên thu của các tổ chức không ký hợp đồng theo quy chế mới, nếu có nhu cầu thì đăng ký với tổ chức dịch vụ để làm nhân viên thu và được sử dụng thẻ nhân viên đại lý thu đã cấp đến hết thời hạn sử dụng ghi trên thẻ. Các nội dung công việc mới cần được triển khai với tinh thần chủ động để đảm bảo không tác động, gây ảnh hưởng nhiều đến công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Quyết định số 1155/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 5 năm 2022, thay thế cho Quyết định số 1599/Qđ-BHXH ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về ban hành Quy định hoạt động đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

PV