Xây dựng Chính phủ số: Việt Nam cần làm gì?

06/04/2022 08:45 AM


Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của LHQ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều rào cản để tiến đến mục tiêu này.

Báo cáo về Chuyển đổi Chính phủ số tại Việt Nam vừa được nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và chuyên gia tư vấn chia sẻ nhận định: Tại Việt Nam, tiếp tục hiện đại hóa Chính phủ là điều kiện cần để đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số. Tuy nhiên, trong lúc cả nước đang đẩy mạnh những sáng kiến xúc tiến triển khai Chính phủ số, thì vẫn còn một số thách thức cần được xử lý.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Từ tháng 12/2019, Việt Nam đã ra mắt Cổng DVC Quốc gia- một nền tảng tập hợp và tăng cường chiều sâu về khả năng truy cập và tính năng cho các DVC trực tuyến phục vụ người dân và DN. Cũng vào đầu năm đó, hệ thống thông tin họp và trao đổi tài liệu số trong Chính phủ cũng được ra mắt (eCabinet). Mặc dù vậy, các nghiệp vụ dựa vào giấy tờ truyền thống vẫn là trở ngại lớn để hiện thực hóa những lợi ích tiềm năng của Chính phủ số tại Việt Nam… “Chính phủ Việt Nam kêu gọi cả bộ máy, CBCC và người dân quá độ sang Chính phủ số, nhưng tiến triển theo định hướng này còn chậm”- nhóm chuyên gia đánh giá.

Báo cáo cũng chỉ rõ, các yếu tố nền tảng cho Chính phủ số bao gồm khả năng kết nối số cơ bản và bao trùm, mã số định danh và các cơ chế thanh toán cho người dân để khai thác các dịch vụ số, cũng như các nền tảng tích hợp dữ liệu và an ninh mạng. Theo đó, trong các lĩnh vực như kết nối số, Việt Nam đã khởi đầu với vị thế phù hợp. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực như định danh số, khả năng bảo vệ và vận hành liên thông tài sản dữ liệu số khu vực công, thanh toán số… thì Việt Nam không chỉ đi sau nhiều quốc gia, mà còn bị “hụt hơi” với tiềm năng trở thành quốc gia đột phá về Chính phủ số.

Đại dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu hiện đại hóa các DVC; đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân và DN qua các kênh trực tuyến. Mặc dù Việt Nam đã chống chọi với đại dịch COVID-19 tương đối tốt, nhưng qua đó cũng thấy được tầm quan trọng của việc đảm bảo vận hành công việc trôi chảy và có hiệu quả ngay cả khi nhiều cán bộ bị ảnh hưởng không thể đến văn phòng làm việc.

Do đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị, để thực hiện thành công chuyển đổi số, Việt Nam cần phải có nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm xử lý những bất cập về thể chế và đầu tư. Nếu không có những nỗ lực chung để xử lý nội dung và cách thức chuyển đổi Chính phủ số, chu kỳ kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 có thể không đạt được kỳ vọng.

Để thành công, việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu phải tập trung vào con người để có thể cải thiện việc cung cấp dịch vụ của Chính phủ và nâng cao hiệu suất bên trong Chính phủ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vấn đề không chỉ là bao nhiêu nguồn lực, mà là cách thức phân bổ nguồn lực và đầu tư cho các chức năng Chính phủ số và cấp chính quyền.

 

PV