COVID-19

Thúc đẩy an sinh xã hội thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19

31/12/2021 03:15 PM


Một trong những biện pháp quan trọng đã được Việt Nam tích cực triển khai nhằm thích ứnglinh hoạt với đại dịch chính là kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện an sinh xã hội (ASXH) nhằm thực hiện 'mục tiêu kép': phòng, chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khác khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế...”(1). Theo đó, các mục tiêu hướng đến trong phát triển hệ thống an sinh của Việt Nam bao gồm: 1) đạt được sự nhận thức rõ và thống nhất trong xã hội về bảo đảm ASXH cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước; 2) thực hiện quyền được bảo đảm ASXH của mọi công dân vì mục tiêu phát triển con người; 3) đạt được tiến bộ, công bằng, đồng thuận xã hội trong bảo đảm quyền ASXH của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội, hạn chế phân tầng xã hội không hợp thức, phân hóa giàu nghèo; 4) giải quyết cơ bản các vấn đề ASXH bức xúc nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho con người; 5) hòa nhập xã hội tốt hơn đối với nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương để không một ai bị bỏ lại phía sau(2).

Trong những năm qua, hệ thống chính sách ASXH của Việt Nam đã bước đầu đảm bảo công bằng, toàn diện, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Từng bước đáp ứng cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hệ thống ASXH đã định hình theo ba chức năng cơ bản: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro,ngày càng tiếp cận các tiêu chuẩn về sàn ASXH, về đo lường nghèo đa chiều, các tiêu chí về phát triển bền vững phù hợp thực tiễn Việt Nam. Vai trò, trách nhiệm tham gia, đóng góp và thụ hưởng của các chủ thể liên quan đến ASXH được xác lập theo xu hướng bao trùm và tiến bộ. Đặc biệt, quyền được bảo đảm ASXH của công dân lần đầu tiên được hiến định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013. Hệ thống luật pháp, chính sách được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Một số địa phương, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội đã ban hành một số chính sách mở rộng diện đối tượng thụ hưởng và nâng mức thụ hưởng, chú trọng tính hiệu quả và bền vững, hỗ trợ tích cực, kịp thời cho các nhóm yếu thế...(3).

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tổng thể nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh; trong đó nhấn mạnh đến việc quán triệt, thực hiện tốt phương châm tuân thủ 5K + vaccine+ điều trị y tế+ ứng dụng công nghệ thông tin + ý thức của người dân+ hệ thống ASXH.

Nổi bật trong lĩnh vực ASXH phải kể đến việc ban hành và tổ chức thực hiện 3 gói hỗ trợ ASXH khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể, ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngày 1/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH đã góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, thực hiện “mục tiêu kép”: vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, hệ thống ASXH của cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Do đó, tăng cường việc hoàn thiện, tổ chức thực hiện hệ thống ASXH nhằm thích ứng linh hoạt và hiệu quả trong và sau đại dịch COVID-19 là một đòi hỏi bức thiết; có ý nghĩa quyết định đến vấn đề kiểm soát đại dịch.

Bảo đảm ASXH là khâu trọng yếu nhất để đảm bảo nền tảng cho sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19.

Một là, quy mô của các gói hỗ trợ an sinh còn nhỏ, có khoảng cách khá xa so với nhu cầu của xã hội. Mặc dù mức trợ cấp dành cho các đối tượng hưởng là khá lớn nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng mức trợ cấp cũng mới chỉ đảm bảo mức thu nhập tương đối thấp cho những lao động mất việc làm. Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách công, với diện che phủ thấp và mức hỗ trợ có hạn. Các địa phương chưa chủ động trong kinh phí hỗ trợ; cơ chế phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa phương đã cải thiện nhưng vẫn sẽ tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo.

Hai là, đối tượng hỗ trợ rộng, thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, yêu cầu trong thời gian ngắn cần phải ban hành chính sách, nên quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn dẫn đến dự báo chưa chính xác phạm vi và mức độ tác động; do nguồn lực hạn chế cho nên khi thiết kế mức hỗ trợ còn khá thấp; yêu cầu về trình tự thủ tục còn phức tạp, điều kiện được hỗ trợ khá chặt chẽ. Quá trình tổ chức thực hiện, do giãn cách, nhiều địa phương gặp khó khăn trong xác định đối tượng và thực hiện chi trả, nhất là với đối tượng lao động tự do.

Ba là, việc thống kê, thu thập thông tin chính xác về tình trạng của lao động trong khu vực phi chính thức, lao động di cư từ nông thôn ra thành thị gặp nhiều khó khăn. Các lao động phi chính thức, lao động làm nghề tự do không có hợp đồng do chưa phải là đối tượng ưu tiên nên hầu hết không nhận được hỗ trợ. Bên cạnh đó, sự gia tăng số hộ chính sách, hộ nghèo, người lao động bị chấm dứt hợp đồng do COVID-19. Do đó không thể ứng phó và ứng phó kịp thời với những tác động bất lợi của đại dịch đến việc làm, thu nhập, sinh kế và thậm chí tính mạng, cuộc sống.

Bốn là, mặc dù quy trình thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP so với Nghị quyết 426/NQ-CP đã được rút ngắn, tuy nhiên vẫn còn những rào cản tiếp cận chính sách. Nhìn chung phản ứng chậm chạp, thủ tục hành chính rườm rà, xa thực tế, thiếu linh hoạt trong khâu thực hiện chính sách an sinh. Thiếu sự phân tách giữa quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ ASXH.

Cán bộ, chính quyền tại nhiều địa phương vừa xét duyệt đối tượng hỗ trợ, vừa thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng. Đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH còn hạn chế cả về số lượng và năng lực chuyên môn, tâm lý sợ sai sót dẫn đến phải chịu trách nhiệm trong thực thi chính sách ASXH là một rào cản trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

Năm là, công nhân, người di cư và người thu nhập thấp ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp gặp khó khăn chưa thực sự nhận được sự quan tâm của hệ thống ASXH một cách kịp thời và thích hợp. Số đông phải lo ăn, ở, sức khỏe hằng ngày với nguy cơ lây nhiễm cao khi dịch bệnh kéo dài. Do đó, dẫn đến tình trạng không ít công nhân và người lao động di cư tự quyết định rời thành phố và các khu công nghiệp về quê để tránh dịch có tính chất bất thường. Điều này để lại nhiều hệ quả tiêu cực, gây khó khăn trong thực hiện “mục tiêu kép”: phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Giải pháp thúc đẩy ASXH thích ứng linh hoạt hiệu quả.

Một là, các địa phương kịp thời xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm ASXH đối với người dân trên địa bàn phù hợp với tình hình phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/202 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó cần bổ sung và bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm: 1) Lương thực; 2) Tiền mặt để duy trì sinh hoạt tối thiểu hàng ngày; 3) máy tính hoặc điện thoại thông minh và dịch vụ Internet để phục vụ học trực tuyến; 4) tiếp tục triển khai các túi ASXH, hoạt động thu dung, hỗ trợ nơi ở khẩn cấp cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời(4).

Hai là, tiếp tục tăng cường mạng lưới hỗ trợ người yếu thế ở cấp cộng đồng (bao gồm chính quyền địa phương, nhân viên xã hội, nhân viên y tế địa phương, các tổ chức đoàn thể và tình nguyện viên cộng đồng). Nghiên cứu xây dựng mô hình Food Bank nhằm huy động và quản lý có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho người dân khi gặp khó khăn (bao gồm cả vật chất, tiền mặt và các vật tư khác)(5).

Ba là, đơn giản hóa việc xác định đối tượng đủ điều kiện cho các gói cứu trợ: 1) trong trường hợp khẩn cấp, áp dụng hỗ trợ chung cho một số nhóm đối tượng theo độ tuổi hoặc tình trạng đã được xác minh thay vì hỗ trợ có mục tiêu; 2) đối với lao động phi chính thức, bỏ xác thực nơi cư trú để tăng tiếp cận nhóm di cư; 3) xác minh dựa trên Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc xác nhận của chính quyền địa phương; 4) mở rộng hỗ trợ cho tất cả các loại công việc không chính thức; 5) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong rà soát, xác định nhanh nhóm mất thu nhập, nghèo đói tạm thời do giãn cách xã hội để bảo đảm hỗ trợ kịp thời(6). Đồng thời, tăng cường hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm xã hội của đối tượng thụ hưởng.

Bốn là, tập trung thực hiện tốt ASXH theo hướng phù hợp, kịp thời hơn với nhu cầu điều kiện của công nhân, người di cư có thu nhập thấp ở các khu công nghiệp, thành phố lớn. Đây là cơ sở để không tạo ra các làn sóng di cư thành thị - nông thôn bất thường, nhằm đảm bảo không bị đứt gãy thị trường lao động trong “trạng thái bình thường mới”(7). Nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế (lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật...).

Năm là, cần đặc biệt quan tâm đến phát triển và tính kết nối của hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin truyền thông, môi trường ở cấp cơ sở. Phát triển ứng dụng hỗ trợ an sinh, giúp người dân có thể trực tiếp gửi các yêu cầu để nhận hỗ trợ gồm: nhu yếu phẩm; thiết bị vật tư y tế như xe cấp cứu, bình oxy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch; yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp...

Sáu là, tổ chức thực hiện rà soát, phát hiện kịp thời, trợ giúp, chuyển tuyến các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp (trẻ em mồ côi, đối tượng bị bạo hành, xâm hại…) vào cơ sở xã hội khi không có điều kiện sống tại cộng đồng. Tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, đặc biệt là người già, người khuyết tật, trẻ em, vị thành niên mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng vào chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm, người sau cai nghiện ma túy và nạn nhân bị mua bán trở về trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19(8).

Bảy là, chủ động dự báo và chuẩn bị tập trung các nguồn lực để cung cấp mức hỗ trợ lớn hơn trên quy mô rộng lớn hơn trước các làn sóng của đại dịch Covid-19 (nếu tiếp tục xảy ra). Đồng thời, giảm dần mức hỗ trợ mục tiêu sau khi đã đánh giá kỹ các tác động và nhận được các dấu hiệu phục hồi tích cực, bao gồm: 1) xây dựng các tiêu chí xác định đối tượng, điều kiện hưởng và thủ tục nộp hồ sơ đơn giản để đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ theo kế hoạch; 2) nới lỏng các tiêu chí hưởng trợ cấp, đơn giản thủ tục hưởng và điều chỉnh mức, thời gian hưởng trợ cấp trong triển khai hệ thống bảo hiểm thất nghiệp; 3) mở rộng phạm vi, tính hiệu quả trong thực hiện giải pháp ổn định thị trường lao động thông qua sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp, tiền lương.

Nhóm giải pháp dài hạn, sau đại dịch

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt vềtư duy và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh việc hoạch định và tổ chức thực hiện theo định hướng mô hình quản lý phát triển hệ thống ASXH thích ứng linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, bao gồm: 1) kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu việc làm bền vững của người lao động; 2) việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững; 3) bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mô hình BHXH đa tầng, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, có tính chia sẻ và hội nhập quốc tế; 4) trợ giúp xã hội nhằm ổn định đời sống và hòa nhập xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; 5) công tác xã hội chuyên nghiệp, hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội nói chung, dịch vụ ASXH, chăm sóc xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng(9).

Thứ hai, tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực xã hội, ASXH sau đại dịch theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn các chính sách kinh tế với chính sách xã hội và ASXH để tăng trưởng kinh tế thực sự gắn kết với phát triển xã hội công bằng, bảo đảm ASXH. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước và quản lý phát triển xã hội trong việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, hiệu lực và khả thi, nhất là bổ sung, sửa đổi Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật; nghiên cứu hình thành dự án xây dựng mới Luật Trợ giúp xã hội, Luật Công tác xã hội, Luật Quan hệ lao động,... phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến bảo đảm ASXH trong hội nhập quốc tế, thích ứng với vấn đề già hóa dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu(10).

Thứ ba, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và ASXH bền vững sau đại dịch giai đoạn 2021-2030 hướng đến sự tích hợp, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực tài chính cho ASXH trên cơ sở đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa. Thực hiện tích hợp các chương trình hiện nay về giảm nghèo bền vững, việc làm, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bảo trợ xã hội... Tăng cường tính chủ động của địa phương, các chủ thể liên quan trong thực hiện, tư vấn, phản biện, kiến nghị và giám sát thực hiện các chương trình này. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ và đào tạo đội ngũ làm công tác ASXH, tránh tình trạng gặp khó khăn về nhân lực khi xảy ra tình huống bất thường, khủng hoảng.

Thứ tư, phát triển và nâng cao vai trò của các đối tác xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ và công bằng, cần coi trọng vai trò của các đối tác xã hội (các chủ thể ngoài nhà nước) trong phát triển ASXH nhằm đạt mục tiêu linh hoạt và hiệu quả cao sau đại dịch, cụ thể là: 1) trực tiếp hoặc gián tiếp cùng Chính phủ xây dựng thể chế (cơ chế, chính sách, pháp luật), chiến lược, kế hoạch, chương trình bảo đảm ASXH; 2) phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình do Chính phủ xây dựng; 3) phát huy vai trò đại diện cho các nhóm xã hội, xây dựng và phát triển cộng đồng tham gia bảo đảm ASXH cho người dân, nhất là cho nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; 4) cung cấp dịch vụ công về ASXH, dịch vụ xã hội cơ bản như “cánh tay nối dài” của Chính phủ để đạt đúng mục tiêu, đối tượng và hiệu quả; 5) xây dựng và phát triển cộng đồng, các tổ chức xã hội đa dạng, phù hợp với nhu cầu bảo đảm ASXH của người dân, hướng vào phát triển cộng đồng, gắn kết, đồng thuận và tiến bộ(11).

Thứ năm, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập và hợp tác quốc tế về ASXH nhằm mục tiêu phát triển hệ thống an sinh bền vững. Chủ động, tích cực và có tránh nhiệm tham gia đóng góp, xây dựng, thực hiện các điều ước và tiêu chuẩn quốc tế của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc..., các hiệp định hợp tác song phương và đa phương, nhất là FTA thế hệ mới liên quan đến bảo đảm ASXH. Chủ động tiếp nhận có hiệu quả sự hỗ trợ quốc tế về kinh nghiệm, kỹ thuật, đào tạo cán bộ và tài chính nhằm triển khai ASXH bền vững, thích ứng với những yêu cầu đặt ra.

Thứ sáu,phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội, ASXH đáp ứng với nhu cầu sau đại dịch. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, ASXH (việc làm, chăm sóc bảo trợ xã hội, công tác xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản...) cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp và tự chủ. Coi trọng chăm sóc đối tượng tại cộng đồng và mở rộng khu vực ngoài nhà nước (các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp...)(12). Duy trì, nâng cao các dịch vụ y tế, giáo dục và xã hội thiết yếu; xây dựng chính sách linh hoạt và mô hình dịch vụ sáng tạo (như chăm sóc sức khỏe từ xa); xây dựng cơ sở pháp lý cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, trước hết là trẻ em; nâng cao kỹ năng số của học sinh, đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và từ xa(13).

Thứ bảy, tăng cường thực hiện mục tiêu đảm bảo thu nhập cho người lao động sau đại dịch. Thời kỳ khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, việc đảm bảo thu nhập cho người lao động cần được đặc biệt ưu tiên. Nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Tăng cường giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hòa nhập thị trường lao động… nhằm hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường. Hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác(14). Tập trung kết nối việc làm và thúc đẩy tạo việc làm sau đại dịch đối với các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi; điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hoặc tập trung vào các kỹ năng số, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh(14).

Thứ tám, tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Có chiến lược tuyên truyền phù hợp hơn để người lao động, người sử dụng lao động và người dân thấy rõ được chính sách BHXH là một biện pháp ASXH chủ động và bền vững nhất. Đồng thời, cần nâng cao mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện ở một mức nhất định nhằm đảm bảo tính công bằng, tuy nhiên ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp, nông thôn... Thực hiện kịp thời, chính xác và minh bạch các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để thu hút người lao động chủ động và tích cực tham gia BHXH(15).

Thứ chín, tăng cường ứng dụng CNTT trong điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các chương trình ASXH, đảm bảo hệ thống vận hành công khai, minh bạch, liên thông và kịp thời trong hoạt động hỗ trợ. Hệ thống ASXH tích hợp cần đưa ra giải pháp ứng phó nhanh, hiệu quả hơn trong xác định đối tượng đủ điều kiện, tiến hành đăng ký và thực hiện chi trả thông qua sử dụng công nghệ số, cụ thể: 1) phát triển hệ thống đăng ký xã hội tích hợp với hệ thống nhận dạng hiệu quả, làm cơ sở triển khai nền tảng ASXH và cho phép xác định đối tượng ASXH dễ dàng, nhanh chóng và nhất quán hơn; 2) triển khai các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ việc tham gia các chương trình ASXH thuận tiện hơn, đồng thời đảm bảo hệ thống chi trả trợ giúp xã hội nhanh chóng và an toàn hơn; 3) cần tách biệt trợ giúp xã hội với tình trạng việc làm của người được hưởng, tăng cường phối hợp thể chế và bổ sung ngân sách cho cho hệ thống ASXH thông qua các nguồn thu khác nhau.

Thứ mười, nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình hệ thống ASXH vừa đảm bảo định hướng mục tiêu chủ nghĩa xã hội, vừa thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống khủng hoảng có thể xảy ra, bao gồm: 1) tăng cường nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch; 2) nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm đối tượng trong và sau đại dịch; 3) tăng cường và phối hợp các nhóm chính sách thị trường lao động tích cực; liên kết các giải pháp trợ giúp xã hội và ASXH để thúc đẩy khả năng tiếp cận việc làm tốt; 4) phát triển hệ thống đào tạo dựa trên nhu cầu; 5) nâng cao chất lượng đào tạo, đánh giá hiệu quả đào tạo, tăng cường khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu và triển khai nhanh hơn; 6) phát triển các dịch vụ tư vấn và kết nối việc làm theo định hướng dựa vào kết quả; 7) hình thành trạm quan sát thị trường lao động tập trung và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng phạm vi tiếp cận của các nhóm đối tượng tới dịch vụ việc làm; 8) xây dựng cơ sở dữ liệu về ASXH đến cấp cơ sở có khả năng kết nối và chia sẻ kịp thời khắc phục các rủi ro; 9) xây dựng sàn ASXH với việc đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân; 10) nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp để có thể hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân gặp khó khăn./.

PV