Đại biểu Quốc hội kiến nghị: Sửa đổi Luật BHXH theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng BHXH một lần
28/10/2021 06:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các Đại biểu Quốc hội đề xuất cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần…
Chiều 27/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Cho ý kiến về quy định hưởng BHXH một lần, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, thời gian gần đây, số lượng người hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020, là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020.
“Nghĩa là cứ 1 người tham gia BHXH thì có 2 người rời hệ thống. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ phá vỡ hệ thống BHXH. Người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai. Đồng thời, tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước”, Đại biểu Nguyễn Hải Anh nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh. (nguồn: Internet)
Do đó, đại biểu đề nghị, khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo. Ông cho rằng, cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển.
Đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng BHXH một lần. Sửa đổi điều kiện bảo hiểm hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, để giúp người lao động dễ dàng được hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần.
Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững quỹ BHXH, BHYT thời gian qua được Chính phủ và nhất là ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, với nhiều nỗ lực đạt được những kết quả tích cực. Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan, với tổng số người tham gia là 16,176 triệu người, tăng gần 400 nghìn người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao. Chủ yếu, người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700 nghìn đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.
Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, một trong số những nguyên nhân khiến BHXH chưa được như mong muốn đó là những quy định và chính sách chưa đủ sự hấp dẫn thu hút người tham gia. Trong đó có quy định về thời gian đóng tương đối dài 20 năm. Chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt, đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.
Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét về chính sách rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng, năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động mọi mặt vấn đề của xã hội. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm đã làm ảnh hưởng đến chế độ thực hiện chính sách, chế độ BHXH.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc.
Đại biểu Ngọc cho rằng, để đạt được mục tiêu 35% lực lượng lao động tham gia BHXH cần có sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cũng như chính quyền các cấp. Đại biểu đề nghị cần phân tích, đánh giá những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp như hiện nay.
Về tình hình chậm đóng và tạm dừng đóng BHXH, đại biểu Ngọc cho biết, theo báo cáo đến 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019 (khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 1,5%, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 6,4%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 57,2% tổng số chậm đóng).
Đại biểu Ngọc đề nghị, xác định rõ nguyên nhân và đối tượng để từ đó có giải pháp phù hợp. Cần phải rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, giám sát.
Ở khía cạnh khác, Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) kiến nghị xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia BHXH tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang)
Đại biểu lý giải, do tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn trong khi thời gian tham gia BHXH dài, dẫn đến tâm lý người dân không muốn tham gia và khi đã tham gia thì có tâm lý muốn thôi không tham gia nữa để giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần. Do vậy tình trạng hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng lên, điều này gây tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh: BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia. Năm 2020 BHXH có những kết quả vượt bậc, nhưng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH.
Đại biểu dẫn số liệu năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người, tăng 6,65% so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9% ).
Theo đại biểu, những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để dành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại.
Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. "Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)
Đại biểu nhấn mạnh người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.
Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất…”Nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân”, đại biểu cho biết.
Từ thực trạng trên, đại biểu Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đã đề ra trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Hà Nội công bố thanh tra 20 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?