Việt Nam cần lực lượng lao động có kỹ năng cao để nâng tầm phát triển kinh tế
27/11/2019 03:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tương lai việc làm của Việt Nam nằm ở quyết định lựa chọn. Việt Nam đang cho thấy sự lựa chọn đúng đắn của mình thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội và hiện đại hoá các thiết chế quan hệ lao động.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Chang Hee Lee – Giám đốc ILO tại Việt Nam tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 với chủ đề “Tương lai việc làm - Lựa chọn của Việt Nam” do Bộ Thương binh - Lao động và Xã hội phố hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.
Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn
Theo báo cáo “Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của ILO công bố tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 cho thấy, Việt Nam sở hữu dân số đặc biệt năng động với tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động đang ở mức hơn 70% đối với phụ nữ (so với mức trung bình 48% trên thế giới), và 81% với nam giới. Bên cạnh đó, việc làm trong ngành sản xuất đã và đang tăng với tốc độ rất cao tại Việt Nam, kể từ năm 2014 luôn ở mức cao hơn mức chung của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp tuy nhiên chất lượng việc làm lại đang là một thách thức đối với Việt Nam. Do đó, Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn.
Cũng theo báo cáo, kinh tế Việt Nam đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao. Hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước là việc làm cần kỹ năng trung bình và 12% đòi hỏi kỹ năng cao; số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp.
So sánh với các quốc gia có thu nhập trung bình cao (nhóm nước Việt Nam mong muốn được gia nhập vào năm 2030), bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho biết, các nước này có tỷ trọng việc làm kỹ năng thấp tương đồng với Việt Nam (ở mức 32%) nhưng tỷ trọng việc làm kỹ năng trung bình lại lớn hơn (48%), đặc biệt tỷ trọng việc làm kỹ năng cao lớn hơn rất nhiều (20%) - cao gần gấp đôi so với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm nhưng cần việc làm tốt hơn.
Các chuyên gia của ILO chỉ ra, tại Việt Nam, việc làm dễ bị tổn thương đang giảm dần, tuy nhiên năm 2018 vẫn còn tới 54% người lao động đang làm những công việc này, thường không có sự bảo vệ và thu nhập nhìn chung rất thấp. Vì vậy, tương lai việc làm của Việt Nam đang nằm chính trong quyết định lựa chọn của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, “cần lấy con người làm trung tâm để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Mặt khác, cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên của Chính phủ nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội”, các chuyên gia khuyến cáo.
Thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế. Bộ Luật Lao động sửa đổi tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước cơ bản của ILO, kể cả hai công ước cơ bản còn lại (về tự do hiệp hội và lao động cưỡng bức) mà Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong những năm tới.
Cũng theo Thứ trưởng, Diễn đàn về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện cam kết ở các cấp cao nhất của Chính phủ về phát triển kỹ năng, và đưa ra phương hướng chính sách cho một tương lai việc làm tươi sáng hơn thông qua cải thiện năng suất dựa vào nâng tầm kỹ năng lao động trên cả nước cũng như phối hợp cung cầu tốt hơn về kỹ năng. Đề án cải cách BHXH dựa trên Nghị quyết trung ương 28/NQ/TW năm 2018 đã mở đường hướng tới mở rộng độ bao phủ toàn dân về BHXH.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Chang Hee Lee – Giám đốc ILO tại Việt Nam nhận định, tương lai việc làm của Việt Nam nằm ở quyết định lựa chọn. Việt Nam đang cho thấy sự lựa chọn đúng đắn của mình thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội và hiện đại hoá các thiết chế quan hệ lao động. Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường tăng trưởng bền vững và toàn diện hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?